Monday, January 20, 2025

Lần đầu tiên phát hiện phân tử nước trên bề mặt tiểu hành tinh

Một nghiên cứu công bố mới đây trên Tạp chí “Khoa học hành tinh” khẳng định sự tồn tại của các phân tử nước trên bề mặt các tiểu hành tinh. Điều này chứng minh những tàn dư của quá trình hình thành hệ mặt trời của chúng ta không chỉ là những tảng đá không gian khô cạn.

Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Tây Nam San Antonio (Mỹ) đã phát hiện các phân tử nước trên Iris và Massalia, hai tiểu hành tinh trong vành đai tiểu hành tinh chính giữa quỹ đạo của Sao Hỏa và Sao Mộc. Cả hai đều cách mặt trời hơn 223 triệu dặm và là 2 tiểu hành tinh giàu silicat.

Các nhà khoa học này đã dựa trên dữ liệu được thu thập bởi Đài quan sát Thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu (SOFIA).

Theo các tác giả, Iris và Massalia dường như là tàn dư của quá trình hình thành nên hành tinh. Bởi vậy, các thành phần của chúng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nơi chúng hình thành theo giả thuyết tinh vân Mặt Trời. Trong số những thay đổi này, các nhà khoa học đặc biệt chú ý về sự phân bố nước, vì điều đó có thể làm sáng tỏ cách thức nước được đưa đến Trái Đất trong quá khứ. 

Dù các phân tử nước trước đây đã được phát hiện trong các mẫu tiểu hành tinh được đưa về Trái Đất, nhưng đây là lần đầu tiên các phân tử nước được tìm thấy trên bề mặt của một tiểu hành tinh trong không gian. Phát hiện có thể giúp các nhà thiên văn học theo dõi lịch sử của những tiểu hành tinh đặc biệt này, cho thấy sự hình thành của chúng diễn ra đủ xa mặt trời để nước không bị đun sôi do nhiệt.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img