Tuesday, November 26, 2024

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm

PNO – Sự bền vững về môi trường đã trở thành một xu hướng trong ngành thời trang.

 

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm
Gigi Hadid trên sàn diễn trong bộ sưu tập S/S 2023 của Stella McCartney – thương hiệu chưa bao giờ sử dụng bất kỳ sản phẩm phái sinh nào từ động vật – Ảnh: Pascal Le Segretain (Getty Images)

Ngày càng nhiều người tiêu dùng và thương hiệu chuyển sang các lựa chọn thay thế thuần chay, trong khi các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc nuôi trồng da trong phòng thí nghiệm.

Ngành công nghiệp da tuy có lịch sử lâu đời nhưng ngày càng trở nên thiếu bền vững so với nhu cầu và phương thức sản xuất hiện nay. Để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn với ít thiệt hại hơn cho môi trường, ngành công nghiệp da cần có sự thay đổi. Các vật liệu thay thế như giả da cũng đã được chứng minh là có hại. Quá trình sản xuất thường liên quan đến việc sử dụng nhựa không phân hủy sinh học và thải ra các chất độc hại khi vứt bỏ. 

Một trong những giải pháp gần đây nhất cho vấn đề này là da được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Kể từ năm 2012, khi da được tạo ra trong phòng thí nghiệm bởi công ty công nghệ sinh học Modern Meadow của Mỹ, vật liệu này đã trở thành chủ đề được các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới quan tâm.

Những lựa chọn thân thiện với động vật

Hoàn toàn khác với nhiều loại da thay thế thuần chay hiện có trên thị trường, các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển loại da được nuôi trong phòng thí nghiệm có các đặc tính của da thật: sự kết hợp giữa chất béo, protein, độ thoáng khí và tính linh hoạt.

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm
Will’s Vegan Store là một trong số ngày càng nhiều thương hiệu từ chối chất liệu da truyền thống – Nguồn ảnh: Will’s Vegan Store

Christine Goulay – người sáng lập Sustainabelle, nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược đổi mới và bền vững – cho biết bằng cách “tái tạo cấu trúc của da và sử dụng cùng loại collagen”, da được nuôi trong phòng thí nghiệm có thể “gần giống với da tự nhiên nhất có thể”.

Các chuyên gia tại công ty 3D Bio-Tissues đã phát triển thành công mô có kích thước vuông 10cm x 10cm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc sản xuất loại da thay thế tự nhiên, thân thiện với động vật.

Yvonne Taylor – Phó chủ tịch dự án doanh nghiệp của PETA, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền động vật có trụ sở chính tại Norfolk, Virginia, Mỹ – hết lời khen ngợi các công ty sáng tạo như 3D Bio-Tissues đã tạo ra da được nuôi trong phòng thí nghiệm: “Da được nuôi trong phòng thí nghiệm trông giống như da thật… Ngành công nghiệp thời trang hiện đang đặt câu hỏi về da vì tác động đến môi trường của nó và khi vật liệu thuần chay có được chỗ đứng, chúng ta tiến gần hơn đến một tương lai không sử dụng động vật cho thời trang”.

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm
VitroLabs tuyên bố có thể nuôi cấy các tấm da từ một mẫu mô nhỏ của động vật mà họ chỉ lấy 1 lần – Nguồn ảnh: VitroLabs

Trong khi một số công ty và người tiêu dùng đã tránh xa da động vật bằng cách chọn da làm từ vật liệu tự nhiên (táo, xương rồng, dứa, nho…), công việc của công ty 3D Bio-Tissues có khả năng cách mạng hóa ngành công nghiệp hơn nữa.

Theo ước tính, da được nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ có mặt trên thị trường trong vài năm tới. Ở California, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học VitroLabs đang phát triển các sản phẩm thay thế da được trồng trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu cách điều chỉnh quá trình thuộc da, hoàn thiện những sản phẩm này cũng như làm cho chúng bền và hấp dẫn như da thật. Bên cạnh đó, các công ty như MycoWorks và Bolt Threads đã nghĩ ra cách biến sợi nấm, sợi từ cấu trúc rễ của nấm, thành một loại vải tái tạo hình dáng và cảm giác của da động vật trong khi vẫn có độ bền tương tự.

Thay vì sử dụng các quy trình nuôi cấy tế bào phức tạp, các công ty khác đang phân lập các protein có thể liên kết để tạo thành vật liệu sinh học có đặc tính tương tự da. Hide Biotech ở London đã tạo ra loại da thay thế từ các protein collagen tách biệt. Các protein này có nguồn gốc từ vảy, da và chất thải khác của cá. Yudi Ding – đồng sáng lập công ty – cho biết, thuốc nhuộm và chất lỏng béo có thể được thêm vào vật liệu, loại bỏ nhu cầu về quy trình nhuộm hoặc thuộc da riêng biệt.

Tổ chức từ thiện VIVA, cùng với các cơ quan chính thức khác, ước tính có tới 1 tỉ động vật bị giết mỗi năm để phục vụ ngành công nghiệp da.

Pleather – một loại vải nhựa được làm giống như da – từ lâu đã bị chế giễu vì vẻ ngoài rẻ tiền. Để tránh chất liệu giả da, các thương hiệu thời trang cao cấp đã sử dụng những lựa chọn thay thế thông minh hơn và được ưa chuộng hơn. Trong số đó, H&M, Hugo Boss và Chanel từng làm việc với vải da từ lá dứa. Da nấm xuất hiện lần đầu trong làng thời trang khi Hermès hợp tác với MycoWorks để tạo ra chiếc túi xách sang trọng mang tên “Victoria” vào năm 2021. Stella McCartney – nổi tiếng với chính sách chống sản phẩm động vật – cũng ra mắt mẫu túi xách cao cấp làm từ da nấm trong show diễn xuân hè 2022. 

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm
Chiếc nón Boater màu vàng sành điệu của Chanel làm từ Piñatex, một loại da có nguồn gốc từ lá dứa – Nguồn ảnh: Chanel

Nhiều người vẫn coi da là loại vải chất lượng cao và bền, điều mà Yvonne Taylor của PETA rất muốn thay đổi. “Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về đồ da bằng các lựa chọn thuần chay đầy phong cách, khả thi và hấp dẫn trong thời trang. Da được nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ giúp đạt được điều đó” – cô nói.

Tác động môi trường

Da được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm giúp hợp lý hóa quy trình thuộc da và giảm tiêu thụ nguyên liệu trong quá trình sản xuất da. Nó có thể là một giải pháp thay thế cho da truyền thống trong ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, những vật liệu mới được phát minh này phải tính đến vòng đời của sản phẩm và nhận thức được tác động môi trường do quá trình sản xuất, sử dụng sản phẩm gây ra. 

Đã có những câu hỏi xung quanh tác động môi trường của việc nuôi trồng da trong phòng thí nghiệm, với một số câu hỏi liệu nó có tệ hơn đối với biến đổi khí hậu và kém tự nhiên hơn so với sử dụng da động vật hay không.

Khi thời trang gắn liền với… phòng thí nghiệm
Một chiếc túi Hermès làm bằng da sợi nấm của MycoWorks – Nguồn ảnh: MycoWorks

Các nhà khoa học cho rằng ngành chăn nuôi, vốn là trung tâm của ngành công nghiệp da, chịu trách nhiệm tới 18% tổng lượng khí thải nhà kính, chủ yếu là do thải khí metan. Có vẻ như các giải pháp thay thế được phát triển trong phòng thí nghiệm sẽ loại bỏ hoàn toàn điều này nhưng chỉ khi ngành công nghiệp da truyền thống ngừng hoạt động hoàn toàn. Thế nhưng, điều đó khó xảy ra ngay lập tức.

Các nhà sinh thái học thường phê phán quá trình thuộc da có thể đưa các chất độc hại như crom, nhôm và các chất dẫn xuất từ than đá vào khí quyển, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe con người. Năm 2011, 5 người được giao nhiệm vụ làm sạch bể chứa chất thải tại một xưởng thuộc da ở thị trấn Vaniyambadi, Ấn Độ đã bị ngạt thở do khí hóa học độc hại. 

Tương lai của da truyền thống

Da có nguồn gốc từ động vật vẫn cực kỳ phổ biến. Những chiếc túi như các mẫu Birkin và Kelly của Hermès – được làm từ da bò và da dê – hầu như luôn cháy hàng dù giá rất đắt. Nhiều thiết kế khác của họ, được làm bằng các loại da độc lạ như cá sấu Mỹ, cá sấu, đà điểu và thằn lằn, đặc biệt hiếm, khiến chúng càng được một số người tiêu dùng siêu giàu thèm muốn.

Tại Chanel, nơi mà hiện nay gần như không thể mua được 1 chiếc túi với giá dưới 9.000 euro, khách hàng vẫn bị thu hút bởi các thiết kế bằng da cừu và da trăn. Việc thương hiệu này tăng giá gần như liên tục dường như không làm nản lòng những người giàu – những người vẫn chưa có ý định chuyển từ da thật sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn.

Dù vậy, một số thương hiệu tiêu dùng đang âm thầm lên kế hoạch hợp tác với các công ty như 3D Bio-Tissues, những công ty đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hợp tác với các thương hiệu mong muốn sản xuất hàng hóa có chất lượng tương tự da, vừa bền vừa thẩm mỹ, đồng thời tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng. 

 

 

 

Thuỵ

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img