Hàng trăm cột khói xả thẳng lên trời khiến khói bụi mù mịt quanh năm ở làng tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, H.Yên Phong, Bắc Ninh) từ nhiều năm nay đã trở thành nỗi sợ hãi của người dân nơi đây.
Làng Mẫn Xá được xem là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc khi có gần 300 hộ sản xuất với khoảng 400 lò cô đúc nhôm.
Nghề cô đúc nhôm đã mang lại kinh tế khá giả cho người dân Mẫn Xá nhưng hệ lụy về môi trường nó để lại vô cùng nghiêm trọng. Nhiều năm gần đây, xung quanh làng nghề thường xuyên bị bao phủ bởi lượng khói bụi dày đặc. Những người thợ làm nghề phải làm việc trong điều kiện ô nhiễm trầm trọng, không đồ bảo hộ, đối mặt với nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật, trong đó có cả bệnh ung thư. Mặc dù vậy, vì kinh tế, không ít người vẫn sẵn sàng đánh đổi sức khỏe của mình.
Mỗi ngày một lò cô đúc nhôm loại nhỏ hoạt động có thể sản xuất ra vài tạ phôi nhôm thành phẩm. Theo người dân địa phương, vì thiếu chỗ xử lý xỉ thải từ nhôm nên các hộ kinh doanh, xưởng đúc nhôm vẫn hằng ngày đổ trộm ra môi trường, tràn lan từ đường đi đến cả nghĩa địa của làng, cao thành từng đống giống như ngọn núi bủa vây quanh thôn.
Xã Văn Môn có 5 làng, chỉ làng Mẫn Xá là có nghề tái chế và nằm ở giữa nên khói bụi, ô nhiễm khiến cả xã phải hứng chịu. Quanh làng, những hộ gia đình không tái chế nhôm quanh năm “cửa đóng then cài”, trẻ con không có chỗ chơi vì ô nhiễm. Thậm chí, quanh mỗi căn nhà đều được bịt kín bằng các tấm tôn, bạt không có kẽ hở nhằm ngăn chặn khói bụi.
Chưa có hồi kết
Theo ghi nhận của Thanh Niên, người bình thường đi vào làng Mẫn Xá không thể chịu đựng không khí ngột ngạt nơi đây quá 10 phút. Vậy mà những người thợ làm nghề tái chế nơi đây có thể chịu đựng quanh năm suốt tháng, bởi họ cho rằng không làm nghề này thì không biết làm gì để kiếm sống.
Bà Nguyễn Thị H. (quê H.Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, những ngày đầu, khi mới làm công việc này thì cảm thấy khó chịu, khó thở vì hít khói. Lâu ngày, bà H. dần quen mùi, quen công việc, quen với cả sự khó thở, ngột ngạt.
Mỗi ngày, bà H. được chủ lò tái chế nhôm trả công 400.000 – 500.000 đồng, tính nhẩm, mỗi tháng riêng bà kiếm được 12 – 15 triệu đồng cho gia đình.
“Mùi khói rất kinh khủng nhưng rất may 10 năm làm nghề tái chế nhôm tôi chưa gặp bệnh gì. Tôi cũng biết một số người mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều người phải bỏ ngang nhưng tôi cũng không biết làm thế nào, công việc này giúp tôi có tiền để chăm lo cho gia đình”, bà H. nói.
Bà Nguyễn Thị L. (người dân thôn Phù Xá, xã Văn Môn) kể, đi qua làng Văn Môn ngày nắng thì gió thổi bụi nhôm mù mịt khắp làng. Trên không trung, khói bụi từ các ống khói lò luyện nhả thẳng lên trời, khiến người dân quanh khu vực này ngày đêm lo lắng.
Bà L. cho hay, gia đình bà phải đóng kín cửa 24/24 giờ và không dám cho con trẻ ra sân chơi bởi không khí quá ngột ngạt. “Mùa nào cũng khổ nhưng chúng tôi cũng chẳng có điều kiện mà chuyển đi đâu. Cả năm chỉ có 1 – 2 tuần trong dịp tết là nhà cửa sạch sẽ vì lúc ấy các lò nhôm đóng cửa, tạm dừng hoạt động để công nhân nghỉ tết về quê”, bà L. nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Văn Môn, thực trạng xử lý ô nhiễm môi trường ở xã Văn Môn rất khó khăn và cần phải có lộ trình dài để triển khai thực hiện. Mỗi năm làng Mẫn Xá tái chế ra khoảng 10.000 tấn nhôm thỏi; trung bình mỗi ngày tái chế khoảng 30 tấn nhôm, thải ra khoảng 3 – 4 tấn xỉ thải. Cơ quan chức năng đánh giá, bãi xỉ nhôm của làng có thể lên đến trên 370.000 tấn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Kết quả rà soát và tổng hợp từ hệ thống quan trắc môi trường của Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Văn Môn chủ yếu phát sinh từ việc cô đúc nhôm. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí xung quanh chỉ ra, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến 2,8 lần.
Cùng với đó, kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại ao tiếp nhận nước thải của làng nghề Mẫn Xá qua các năm cũng cho thấy, các chỉ tiêu phân tích hữu cơ và các kim loại nặng cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 16 lần.
Hồi tháng 6.2022, UBND H.Yên Phong ban hành “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn giai đoạn 2022 – 2026”, đã đặt lộ trình đến năm 2026, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư phải di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Đề án cũng yêu cầu 100% cơ sở sản xuất phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định…
Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai, môi trường ở xã Văn Môn vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Nguồn: thanhnien.vn