Theo lãnh đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thuộc EVN, sản lượng tiêu thụ điện 2 tháng đầu 2024 tăng, đặc biệt ở các tỉnh, thành tập trung khu công nghiệp.
Thông tin từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ngày 13/3 cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, EVNSPC đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động văn hóa – xã hội tại 21 tỉnh thành phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau, không thực hiện điều hòa tiết giảm phụ tải, đặc biệt trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.
Cụ thể, 2 tháng đầu 2024, sản lượng điện tiêu thụ đạt 13 tỷ 575,74 triệu kWh, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách hàng có mức tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh có mức tăng trưởng trên 15,6%; tiêu thụ dưới 1 triệu kWh có mức tăng trưởng hơn 12,3%.
Lãnh đạo EVNSPC cho biết thông thường các khách hàng tiêu thụ trên 1 triệu kWh là khách hàng doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý trong tiêu thụ điện 2 tháng đầu năm là tại các tỉnh/ thành có tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cao đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng điện cao như Bình Dương tăng 12,04%; Tây Ninh tăng 29,6%; Long An tăng 14,2%; Bà Rịa Vũng Tàu tăng 14,9%; Đồng Nai tăng 11,4%.
Các dấu hiệu tăng trưởng về tiêu thụ điện ở những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với đông đảo doanh nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, tương ứng với sự tích cực về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ ra sự tích cực trong phục hồi và tăng trưởng công nghiệp, chế biến, xuất khẩu của kinh tế Việt Nam 2 tháng vừa qua.
Đây là thông tin tích cực của nền kinh tế và thể hiện xu thế phục hồi rõ nét của doanh nghiệp trên địa bàn.
Lãnh đạo EVNSPC cũng dự báo nhu cầu sử dụng điện từ Ninh Thuận đến Cà Mau trong mùa khô năm 2024 sẽ tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức dự báo đầu năm. Theo EVNSPC, vì vậy, giải pháp căn bản là tiết kiệm, sử dụng hợp lý điện năng để bảo đảm không xảy ra thiếu hụt.
EVNSPC cũng đã làm việc với 6.281 khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh trở lên và đề nghị hợp tác chuyển khoảng 5-10% phụ tải ra khỏi khung giờ cao điểm, tránh quá tải lưới điện. Cùng với đó, triển khai hàng loạt hàng loạt phương án vận hành tối ưu lưới điện, kêu gọi những khách hàng tiêu thụ nhiều điện hợp tác điều chỉnh phụ tải phi thương mại, thực thi các giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện.
Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cũng cho biết, sản lượng điện tiêu thụ 2 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 75,34 triệu kWh/ngày, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo, sản lượng điện tháng 3 tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 84,84 triệu kWh/ngày, tăng 8,31% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn TP.HCM trong mùa khô và 2024, EVNHCM cũng đã triển khai thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024, trong đó: Đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình ĐTXD; Trung tâm Điều độ Hệ thống điện giám sát, có phương án không để các ĐZ 220kV/110kV/22kV, MBA 220kV/110kV xảy ra tình trạng đầy, quá tải trong chế độ làm việc bình thường; Các Công ty Điện lực rà soát, xử lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải TBA phân phối, lộ ra hạ thế; Công ty Lưới điện Cao thế, các Công ty Điện lực thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết trước ngày 31/3/2024; Lập kế hoạch điều chỉnh phụ tải năm 2024 và Chuẩn bị phương án tiết giảm khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
EVNHCM dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2024 tiếp tục tăng cao đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và 5 năm 2024 dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP Hồ Chí Minh.
“Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng (từ tháng 3 đến 7), tình hình sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng cao, tần suất sử dụng điện các thiết bị điện trong nhà, đặc biệt là các thiết bị làm mát, giải nhiệt của các hộ gia đình tăng cao, máy lạnh sử dụng một cách thường xuyên hơn. Theo chuyên gia, mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2 đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình”, đại diện Công ty chia sẻ.
Theo đó, EVNHCMC đã triển khai 5 nội dung trọng tâm tiết kiệm điện với 5 đối tượng, gồm: Cơ quan, công sở; chiếu sáng công cộng; hộ gia đình; cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại; doanh nghiệp sản xuất. Cùng với đó, vận động 1.353 khách hàng tiêu thụ từ 1 triệu kWh điện/năm giảm phụ tải giờ cao điểm…
Đồng thời, Tổng công ty đã triển khai hàng loạt giải pháp để phòng chống cháy nổ do sử dụng điện trong mùa khô năm nay.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn