Thursday, November 28, 2024

50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao lừa đảo bị chặn mỗi tháng

Theo Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông hiện đã hoàn thành đối soát, chuẩn hóa thông tin của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao lừa đảo bị chặn mỗi tháng

 

Theo phản ánh, thời gian qua, các cuộc gọi rác, tin nhắn rác giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ vẫn còn diễn ra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc trong nhân dân.

Trên cơ sở phản ánh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động hoàn thành đối soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao của 125 triệu thuê bao đang hoạt động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 1 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

Ngoài ra, mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1- 12 tháng nếu vi phạm quản lý thông tin thuê bao

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tăng cường quản lý SIM điện thoại, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác) thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác và các hành vi vi phạm pháp luật giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; quảng cáo không đúng sự thật gây phiền hà cho người dân.

Bên cạnh đó, ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao.

Theo đó, bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.

Bên cạnh đó, Bộ cũng vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website: thongbaorac.ais.gov.vn; tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo; khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM, quy định trách nhiệm đối với thuê bao đăng ký sở hữu >3 SIM, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định thuê bao chính chủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các cuộc gọi lừa đảo trên hệ thống thông tin đại chúng.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img