Thursday, November 28, 2024

Các nhà sáng tạo nội dung tại Ấn Độ đã quen với cuộc sống không TikTok

Sau 4 năm kể từ thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm TikTok, nhiều người đã quen dần với cuộc sống không có ứng dụng này và tìm ra những lựa chọn thay thế.

Trong tuần này, Hạ viện Mỹ đã thông qua với tỷ lệ áp đảo dự luật buộc chủ sở hữu TikTok là ByteDance, phải thoái vốn hoặc đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa tại quốc gia này trong 6 tháng tới. Diễn biến này đã khiến 170 triệu người dùng của TikTok tại Mỹ xôn xao.

Tuy nhiên, việc TikTok bị “cấm cửa” trên quy mô quốc gia không phải là chưa có tiền lệ bởi cách đây gần 4 năm trước, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm tương tự.

Quốc gia đông dân nhất thế giới này từng là thị trường lớn nhất của TikTok. Cho tới tháng 6/2020, Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm TikTok và một số ứng dụng nổi tiếng khác của Trung Quốc, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng nước này. Quyết định có phần chớp nhoáng đã tạo cơn sốc với 200 triệu người làm nội dung trên TikTok của nước này – những người đã quá quen thuộc với việc sử dụng và kiếm tiền từ ứng dụng.

Tuy nhiên, sau 4 năm, nhiều người đã quen dần với cuộc sống không TikTok và tìm ra những lựa chọn thay thế.

Chị Nitigya Joshi – nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội – chia sẻ: “4 năm trước, TikTok bị cấm tại Ấn Độ nên những nhà sáng tạo nội dung đã loay hoay mất một thời gian khi ứng dụng này là nguồn thu nhập và nơi cập nhật cuộc sống của họ. Nhưng rồi ai cũng phải nỗ lực gây dựng lại từ đầu ở một nền tảng khác”.

Chị Sanjivani Sharma – nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội – cho rằng: “Dù có thêm nền tảng nào đóng cửa thì chúng tôi cũng luôn sẵn sàng chuyển đổi. Ví dụ như nếu Instagram đóng cửa tại Ấn Độ thì chúng tôi sẽ chuyển ngay sang video ngắn của YouTube. Sẽ luôn có ứng dụng để thay thế. Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, không ngại thử cái mới. Đó là bản chất của người làm mạng xã hội. Hôm nay là một xu hướng, ngày mai lại xu hướng khác. Thế nên ai cũng sẽ phải thích nghi với mọi loại nền tảng”.

Lệnh cấm có thể khiến các nhà sáng tạo nội dung và người bán hàng trên mạng xã hội lao đao nhất thời nhưng với các ứng dụng của Ấn Độ và Mỹ, đây lại là chiến thắng lớn trong đường đua lấp đầy khoảng trống TikTok để lại.

Ngay sau đó, Instagram đã tung ra Reels, tính năng video mang dáng dấp của TikTok. Còn Google giới thiệu tính năng video ngắn của riêng mình là YouTube Shorts. Trong khi đó, Roposo, một ứng dụng chia sẻ video của Ấn Độ, đã chứng kiến lượng người dùng tăng vọt khoảng 22 triệu trong 48 giờ sau khi lệnh cấm được thực hiện.

Chị Bhavika – nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội – cho biết: “Việc cấm một nền tảng mạng xã hội sẽ gây khó khăn cho những người đang kiếm tiền từ nó. Nhưng thực tế là giờ không phải ai cũng chỉ có tài khoản trên một nền tảng duy nhất. Họ sẽ duy trì hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau. Tất nhiên thách thức là thu hút sự ủng hộ từ tệp người dùng của mỗi ứng dụng”.

Giám đốc điều hành TikTok đánh giá việc cấm ứng dụng này tại Mỹ sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của hàng trăm nghìn người và hơn 7 triệu doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào nền tảng này. Nhưng cách các cựu TikToker tại Ấn Độ có thể sống chung với cuộc sống không TikTok có thể là một ví dụ đáng tham khảo cho người dùng tại Mỹ.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img