Tại Việt Nam, khoảng 80% doanh thu tiền bản quyền đến từ môi trường số cho thấy tiềm năng cũng như sự cần thiết phải có các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm trên không gian này.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn thường niên Bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 diễn ra tại TP.HCM ngày 26/3.
Ông Đinh Trung Cẩn – Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, hiện Việt Nam tham gia gần 80 tổ chức trên thế giới về bảo vệ bản quyền âm nhạc tương ứng với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hiệp hội Quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA).
Theo ông Cẩn, Hàn Quốc là thị trường âm nhạc được tiêu thụ nhiều trong quý vừa qua tại Việt Nam với doanh thu mà VCPMC thu phí bản quyền hơn 151.000 USD. Bên cạnh đó, xu hướng xem và nghe nhạc trực tuyến của người Việt cũng tăng cao, khoảng 80% doanh thu thực tuyến đến từ môi trường số.
Ông Cẩn khẳng định, công nghệ hỗ trợ rất lớn trong việc bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm. Hiện VCPMC chạy trên 9 phần mềm công nghệ quốc tế để rà soát từ thu đến chi trả bản quyền trực tuyến, sắp tới đây sẽ thực hiện tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI). Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể thấy, việc đón đầu với sự phát triển của AI là xu thế tất yếu.
Ông Park Jung Youl, Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc cũng chia sẻ việc xử lý vấn đề bản quyền do AI phát triển trên nền tảng kỹ thuật số. Hàn Quốc đã có một phần mềm tự động để tìm kiếm, phát hiện các ứng dụng nghe lén trên toàn cầu, sau đó thực hiện các biện pháp yêu cầu đính chính, hiệu chỉnh. Cơ quan này cũng kết hợp với các nước, trong đó có Việt Nam, mong muốn chuyển giao kỹ thuật này nhằm tăng cường giám sát, bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm.
Nguồn: vov.vn