Thấy gì từ biểu trưng mới của 30Shine?

30Shine vừa đổi biểu trưng

Chuỗi cắt tóc nam 30Shine vừa công bố đổi, hay nói đúng hơn là tinh chỉnh biểu trưng của mình. Biểu trưng mới dùng màu xanh thay cho màu đen chủ đạo của bản cũ. 

Theo chia sẻ từ những người đại diện thì sự lựa chọn của 30Shine là một định vị không hào nhoáng, nhưng chứa đựng mơ ước lớn của doanh nghiệp là hiện đại hóa ngành tóc ở Việt Nam. Do đó, diện mạo mới của thương hiệu đi cùng định vị “Chuỗi tóc nam hiện đại”.

Về mặt ngôn ngữ thiết kế, biểu trưng mới này của 30Shine thể hiện khá đúng với những tuyên bố của họ. Ngoài việc đổi màu sắc, biểu trưng mới gần như giống với bản cũ, nhưng có 2 chi tiết đáng chú ý. Một là đổi phông chữ và hai là bỏ hình vương miện trên chữ “I”, thay vào đó là thêm một ngôi sao nhỏ trên số “30”.

Phông chữ cũ là kiểu có chân, khá “sang” và trang nghiêm, đã được đổi sang phông chữ không chân. Trong ngôn ngữ thiết kế phông chữ thì chữ có chân thường được dùng để biểu hiện cho sự cổ điển, còn chữ không chân thường được dùng để thể hiện tính hiện đại.

Chúng ta có thể thấy những thương hiệu thời trang kinh điển, truyền thống như Hermés, Dior, Luis Vuiton, Rolex, v.v. biểu trưng đều dùng phông chữ có chân.

Thấy gì từ biểu trưng mới của 30Shine?

Rolex “kinh điển”

Những biểu trưng của các hãng công nghệ như Microsoft, Google, Amazon, Facebook, v.v. đều dùng phông chữ không chân.

Có điều thú vị là nhiều hãng ban đầu dùng phông chữ có chân, sau đó đổi sang phông không chân để thể hiện sự hiện đại. Ví dụ như Google, Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Spotify.

Việc 30Shine đổi phông chữ để thể hiện sự “hiện đại” có lẽ cũng theo dòng chảy này.

Tiếp theo là biểu trưng 30Shine bỏ đi hình vương miện. Điều này đúng là bỏ đi sự hào nhoáng như đại diện của 30Shine chia sẻ.

Thay vào đó, 30Shine cho thêm một ngôi sao vào số “30” của biểu trưng. Shine trong tiếng Anh là “tỏa sáng”. Về mặt thị giác, ngôi sao này đúng là mang lại hình ảnh của sự “tỏa sáng” một cách khá trực quan, thể hiện được nội dung của cái tên của thương hiệu.

Có khá nhiều thương hiệu làm biểu trưng thể hiện được nội dung cái tên của mình. Có thể kể đến chuỗi siêu thị Target. Target tiếng Anh là “cái đích”. Biểu trưng của họ là một cái bia và mũi tên bắn trúng hồng tâm, tức là trúng đích.

Shell tiếng Anh là “vỏ sò”, và biểu trưng của hãng Shell là hình cái vỏ sò, mặc dù cái vỏ sò thì chẳng liên quan gì đến sản phẩm, công việc kinh doanh của hãng dầu lửa này.

Có những hãng ban đầu biểu trưng không thể hiện rõ nội dung cái tên của thương hiệu lắm, nhưng sau đó đổi lại để cho sát hơn. Ví dụ dễ thấy nhất là Apple. Ban đầu biểu trưng của hãng này là Newton ngồi dưới gốc cây và có quả táo nho nhỏ ở trên tán cây. Sau đó hãng đã đổi thành quả táo cắn dở nổi tiếng như hiện nay. 30Shine có vẻ đi theo con đường này.

Thấy gì từ biểu trưng mới của 30Shine?

Apple đổi biểu trưng sang hình quả táo cho hợp với cái tên

Nhưng có một điều thú vị là có rất nhiều hãng nổi tiếng lại chẳng cần biểu trưng phải sát với cái tên. Trường hợp thì có thể kể ra rất nhiều, ví dụ như vết kiếm chém của Nike chẳng liên quan gì đến cái tên của hãng này, biểu trưng của Toyota hay Mercedez cũng rất độc lập với tên hãng, và còn rất nhiều nữa.

Nhiều bài phân tích về tiếp thị cho rằng, biểu trưng nếu sát được với tên thương hiệu thì tốt, mà nếu không sát thì cũng… bình thường, miễn là nó dễ nhớ và gợi được sự liên tưởng về thương hiệu. Thế là đủ.