PNO – Công dụng của tinh dầu không chỉ đơn thuần giúp thư giãn mà còn có thể chữa lành và xoa dịu cho làn da hiệu quả.
Khi tiếp xúc với da, tinh dầu với từng công dụng riêng biệt sẽ giúp khai mở lỗ chân lông, thấm sâu vào lớp da. Một số loại tinh dầu có thể thấm vào bên dưới làn da thông qua lỗ chân lông và được chuyển đến các bộ phận khác nhau của cơ thể với sự trợ giúp của hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng một số loại tinh dầu tự nhiên không nên thoa trực tiếp lên da mà cần được kết hợp với loại dầu nền (như dầu olive, jojoba, hướng dương, hạt nho…) để tránh tình trạng gây bỏng hay kích ứng trên da.
Công dụng của tinh dầu đối với làn da
1. Thải độc, thanh lọc làn da
Với công dụng kích thích loại bỏ những lớp tế bào cũ đã lão hóa, các loại tinh dầu có mùi hương như chanh, họ cam quýt, bưởi, hương thảo, tràm trà, oải hương… lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn thanh lọc bụi bẩn, tế bào chết hay những mệt mỏi còn lưu lại trên da.
2. Giải tỏa căng thẳng
Tinh dầu vỏ cam được sử dụng để xua tan căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, mùi hương trong trẻo này còn mang đến cảm giác sảng khoái tươi mới, căng tràn sức sống khi sử dụng trên da.
Quế cũng là một loại tinh dầu (essential oil) có thể giúp xua tan mệt mỏi, căng thẳng, bụi bẩn “bám trụ” trên da, cải thiện chất lượng giấc ngủ, làm ấm và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, tinh dầu quế có thể gây bỏng rát và kích ứng nên bạn cần pha loãng tinh dầu này với dầu nền không mùi như dầu dừa hoặc dầu olive.
Tinh dầu hoa hồng có mùi thơm dịu nhẹ, giúp giảm trạng thái mệt mỏi, căng thẳng trên da, mang đến sự thoải mái. Tinh dầu hoa cúc dịu nhẹ nhưng sở hữu khả năng kháng khuẩn và chống viêm vượt trội. Không chỉ làm dịu đi sự khô căng, làn da còn trở nên thanh sạch như mới khi sử dụng tinh dầu chiết xuất từ hoa cúc.
3. Dưỡng ẩm, làm săn chắc làn da
Cách loại tinh dầu như Neroli, Ylang-yland được chiết xuất tự nhiên có khả năng dưỡng ẩm, làm săn chắc da, nuôi dưỡng làn da. Khi kết hợp cùng một số loại dầu thực vật khác như hoa anh thảo, hoa lưu ly, tinh chất hương thơm này càng phát huy tối đa khả năng hỗ trợ bồi đắp dinh dưỡng cho các tế bào da.
4. Chống oxy hóa
Hoa hồng, gỗ hồng mộc và vỏ cam là những cái tên được nhắc đến đầu tiên về khả năng chống oxy hóa của tinh dầu. Bên cạnh đó, những hương thơm này đều có công dụng hỗ trợ bảo vệ cho hàng rào đề kháng của da, được kết hợp cùng dầu mơ hay dầu argan để tăng khả năng chữa lành, tái tạo năng lượng cho da.
Phương pháp sử dụng tinh dầu an toàn cho da
Massage với tinh dầu
Việc massage da giúp thúc đẩy tuần hoàn và tăng khả năng hấp thụ. Những loại tinh dầy thường được kết hợp trong các bài massage bao gồm tinh dầu dừa, tinh dầu oải hương, chanh sả, hoa nhài, tinh dầu bưởi…
Để tối ưu hóa phương pháp thư giãn bằng cách massage, nếu sử dụng loại tinh dầu nguyên chất hãy pha loãng với các loại dầu nền theo tỷ lệ phù hợp. Tỷ lệ thông thường là pha một vài giọt tinh dầu vào khoảng 28-30g dầu nền.
Thêm tinh dầu vào mỹ phẩm
Tinh dầu hoạt động theo cơ chế tổng hợp, có tác dụng khi được kết hợp với một số sản phẩm tinh chất khác. Hãy bổ sung tinh dầu vào sản phẩm dưỡng da để tăng cường tác dụng chăm sóc da của kem dưỡng. Tinh dầu tràm trà kết hợp cùng kem dưỡng sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị mụn. Tuy nhiên, để chữa lành làn da hiệu quả, bạn không nên kết hợp cùng lúc 3-4 loại tinh dầu với nhau.
Tắm gội với tinh dầu
Vì tinh dầu không thể sử dụng trực tiếp trên da mà cần phải dùng một lớp dầu nền bổ trợ, nên sử dụng sữa tắm hay dầu gội có chứa thành phần này cũng là một cách dễ dàng để tận hưởng sự sảng khoái và công dụng thư giãn của mùi hương, đồng thời hỗ trợ chữa lành làn da.
Dầu gội chứa tinh dầu cũng có khả năng thanh tẩy năng lượng nhờ mùi hương dễ chịu. Một số tinh dầu được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm dầu gội là tinh dầu bưởi có công dụng nuôi dưỡng chân tóc, giúp tóc bồng bềnh, thơm nhẹ. Tinh dầu rosemary và bạc hà giúp thanh tẩy mái tóc. Tinh dầu từ oải hương, ylang ylang hay các loại yến mạch có công dụng làm dịu và thư giãn cho da dầu.
Thu Vân (theo EH)
Nguồn: phunuonline.com.vn