Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024, lãnh đạo UBND TP.HCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 558 dự án thuộc nhiều lĩnh vực.
Tại hội nghị, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây nguyên công bố tổng cộng 558 dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực: hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế… Nhiều nhất là tỉnh Lâm Đồng với 217 dự án, tiếp theo là tỉnh Kon Tum với 157 dự án, còn lại là TP.HCM, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai. Trong đó, một số dự án trọng điểm như: cao tốc Tân Phú Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương (Lâm Đồng), Khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắk Nông), Nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk), Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, sự phát triển của TP.HCM luôn song hành, gắn liền với sự phát triển của các địa phương, trong đó, có các tỉnh vùng Tây Nguyên. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dựa trên việc khai thác thế mạnh của từng địa phương.
Cụ thể, TP.HCM sẽ sử dụng những lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kỹ thuật phát triển, nguồn nhân lực đa dạng và chất lượng, cùng với cơ sở khoa học kỹ thuật vững mạnh. Thành phố sẽ đóng vai trò là trung tâm liên kết với khu vực Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên.
“Thời gian qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, luân chuyển hàng hóa. Qua đó, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh, thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, vùng Tây Nguyên sở hữu nguồn tài nguyên rừng phong phú, với độ che phủ đạt 51,34%. Ngoài ra, vùng này còn được biết đến với lợi thế đất đai, rất phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp. Tây Nguyên còn đa dạng về tài nguyên khoáng sản, bao gồm các trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh…
Do đó, UBND TP.HCM kỳ vọng, các doanh nghiệp thành phố cũng như doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu đầu tư vào vùng đất này, từ đó, mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và hài hòa của cả hai địa phương, đóng góp vào việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian sắp tới.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, kể từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thu hút trên 50 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư TP.HCM, với tổng vốn đăng ký trên 33.500 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo (phát triển điện gió, điện mặt trời), sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thương mại dịch vụ, giáo dục, cải tạo và phát triển rừng,… qua đó, đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Lắk.
“Đắk Lắk luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương. Đây là vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và luôn xem các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk là công dân của Đắk Lắk, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Đắk Lắk”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành, địa phương luôn tạo những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức duy trì việc tiếp đón, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư tại trụ sở UBND tỉnh định kỳ thứ 5 hàng tuần. Thông qua đó, Lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt và trực tiếp chỉ đạo các Sở, ngành trả lời và kịp thời giải quyết tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư … Tất cả những việc làm trên đảm bảo cho các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được xuyên suốt, toàn diện, hạn chế tối đa những tiêu cực, nhũng nhiễu ở các cấp thi hành.
Ông cũng khẳng định, trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn lực để đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước sẽ có sự hạn chế, nguồn vốn ngoài ngân sách sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển, Đắk Lắk cam kết tiếp tục nỗ lực đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư vào địa phương góp phần hoàn thành hoàn thành những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, từ đó, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quế – Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp – thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn phong phú, ổn định như: cà phê, cao su, mía, sắn, chè,… tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chung theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư khi đến đến đầu tư tại địa phương.
Về quy trình đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đang xây dựng lại sổ tay hướng dẫn đầu tư theo lưu đồ đảm bảo minh bạch hóa tất cả các khâu trong quy trình, cụ thể: Nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh sẽ biết được tổng thời gian (kể từ khi đăng ký đầu tư đến khi đưa dự án đi vào hoạt động là bao nhiêu ngày); khâu nào do đơn vị nào chủ trì và các đơn vị phối hợp; thời gian giải quyết tối đa của từng khâu. Trong từng khâu thì có các quy trình con cũng chi tiết như vậy. Sổ tay này sẽ do UBND ký ban hành và các đơn vị căn cứ triển khai thực hiện và không được phép đặt ra bất kỳ thủ tục nào ngoài hướng dẫn đã được phê duyệt (trừ khi có sự thay đổi các cơ chế chính sách của Trung ương).
Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh: Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để hàng tuần họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng dự án; thường xuyên tổ chức gặp gỡ trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách toàn diện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tư khi đăng ký đầu tư đến khi dự án đi vào hoạt động.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Lâm – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh lâm Đồng thông tin, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng định hướng thu hút đầu tư như sau:
Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính huyết mạch như tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP dự kiến sẽ lựa chọn nhà đầu tư và khởi công năm 2024); đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E; thu hút đầu tư khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt;…
Thứ hai, về Nông nghiệp: Tập trung phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại, hiệu quả, hữu cơ, hướng đến việc hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; tiếp tục phát triển và định vị thương hiệu Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lànhˮ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ ba, về du lịch: tập trung thu hút đầu tư 06 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng – chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe – thể thao cao cấp (gôn, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái – mạo hiểm; du lịch nông nghiệp nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.
Thứ tư, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Một số dự án cụ thể như: thu hút đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bình tại huyện Đức Trọng; xây dựng 02 trung tâm Logistics tại thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng; dự án tổ hợp dự án khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm;…
Thứ năm, triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Đà Lạt; thu hút đầu tư các khu đô thị, khu dân cư mới.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp TP.HCM bày tỏ sự quan tâm lớn đến các dự án đầu tư tại Tây Nguyên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, phát triển du lịch. Trong đó, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đánh giá, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm, nhưng hiện nay hạ tầng kho lạnh tại chỗ để bảo quản, chế biến còn quá thiếu.
Do đó, Hội mong các tỉnh cung cấp thông tin, địa chỉ vùng trồng, các dự án cần hợp tác đầu tư để hội phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên, từ đó, liên kết hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống sơ chế, kho lạnh, dự trữ, ứng dụng công nghệ cho nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
“Đầu tư kho lạnh cần chi phí lớn, cần có hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương. Đồng thời, cần vận động nông dân tuân thủ nghiêm các nội dung đã cam kết trong hợp đồng sản xuất, thu mua, bao tiêu sản phẩm, tránh trường hợp đã ký hợp đồng nhưng khi giá sản phẩm tăng cao thì nông dân lại không bán hàng nữa”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn