Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cho biết chính phủ nước này có kế hoạch mua, nhập khẩu 3 đoàn tàu điện của Trung Quốc để phát triển hệ thống tàu điện nhanh tự vận hành (ART) tại thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan.
Là phương tiện kết hợp giữa tàu hỏa, xe điện mặt đất và xe buýt, ART là hệ thống giao thông công cộng tiên tiến, thông minh, sử dụng cảm biến, bánh xe cao su và có thể hoạt động không cần đường ray.
Theo kế hoạch, việc phát triển hệ thống ART sẽ được triển khai ở 2 con đường chính “Sumbu Kebangsaan Timur” và “Sumbu Kebangsaan Barat” chạy dọc Khu vực trung tâm chính quyền ở Thủ đô mới Nusantara. Giai đoạn đầu phát triển ART sẽ tạo ra một hệ thống dài 1,2 km; giai đoạn hai bao phủ 5,2 km. Khi đi vào hoạt động, hệ thống ART sẽ được tích hợp với hệ thống xe buýt nhanh BRT ở Nusantara.
Tổng Giám đốc Đường sắt Indonesia, ông Risal Wasal, cho biết trong giai đoạn đầu xây dựng hệ thống ART ở Thủ đô mới Nusantara, Indonesia sẽ mua 3 đoàn tàu điện tự vận hành của Trung Quốc. Mỗi đoàn tàu của Trung Quốc sẽ có 3 toa với tốc độ tối đa 70km/giờ; chở được hơn 300 hành khách mỗi chuyến. Các đoàn tàu đảm bảo độ tin cậy vì đã được sử dụng ở Trung Quốc và một số quốc gia khác như Malaysia. Ông Risal Wasal không tiết lộ giá mua các đoàn tàu Trung Quốc. Dự kiến một toa tàu ART của Trung Quốc sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm liên quan Thủ đô mới của Indonesia vào tháng 7 tới.
Ý định mua tàu điện do Tập đoàn sản xuất đầu máy toa xe Nhà nước Trung Quốc CRRC sản xuất được hiện thực hóa sau chuyến thăm Trung Quốc đầu năm nay của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải Indonesia. Tập đoàn CRRC bắt đầu phát triển ART từ năm 2013 như một cách để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở các đô thị đông đúc.
Đây không phải lần đầu Indonesia chọn nhà sản xuất TQ để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Năm ngoái, Indonesia đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên Jakarta – Bandung do nhà thầu Trung Quốc phối hợp xây dựng. Hồi tháng 2/2024, Công ty tàu điện Indonesia (KCI) cũng đã ký thỏa thuận gần 50 triệu USD để mua 3 đoàn tàu điện của Tập đoàn CRRC, nhằm thay thế cho những đoàn tàu cũ trên tuyến đường sắt Đại đô thị Jakarta.
Sau khi quyết định dời Thủ đô Jakarta trên đảo Java tới Nusantara ở đảo Kalimantan, chính phủ Indonesia cam kết xây dựng một thủ đô mới “xanh, thông minh, bền vững” với tầm nhìn “Thành phố 10 phút”, nghĩa là có thể di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác trong thành phố chỉ trong 10 phút bằng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thuận tiện cho người dân.
Nguồn: vov.vn