Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nội dung chính tại công điện số 24 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành.
Giải phóng mặt bằng sạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 là nội dung chính tại công điện số 24 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành. Trên thực tế tính đến hết tháng 3, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90.000 tỷ đồng, đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đây cũng là lượng vốn giải ngân trong quý I lớn nhất từ trước đến nay, cho thấy các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Tại dự án đường liên vùng của tỉnh Phú Thọ, nối 3 huyện Tam Nông, Cẩm Khê và Hạ Hòa đi tỉnh Yên Bái. Dự án được khởi công vào cuối năm 2021 với mục tiêu ban đầu là hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành được 85% và dự kiến đến cuối năm nay sẽ thông xe toàn tuyến, tức là về đích trước hạn một năm.
Đáng nói, thời gian giải phóng mặt bằng chỉ kéo dài trong 2 năm, rất ngắn so với một công trình giao thông có quy mô tương đối lớn.
Ông Trịnh Thế Truyền – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trước đây, các dự án đều tập trung về các ban quản lý dự án cấp tỉnh để quản lý. Với chủ trương phân cấp cho UBND huyện, vướng mắc điểm nghẽn trước đây thường là do giải phóng mặt bằng đã được quan tâm. Từ khâu vận động các hộ dân có liên quan đến việc thi công dự án, kể các những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các khu tái định cư trên cơ sở đồng thuận cao của người dân”.
Tại tỉnh Tuyên Quang, chỉ hơn một tháng tập trung giải phóng, mặt bằng này đã được giao cho nhà thầu. Mặt bằng đến đâu, thi công đến đấy, dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đang tăng tốc từng ngày.
Ông Vũ Ngọc Anh – Chỉ huy trưởng công trường, tổng công ty xây dựng Trường Sơn nêu ý kiến: “Khi có mặt bằng, chúng tôi đã huy tối đa máy móc thiết bị cũng như nhân lực và thi công 3 ca 4 kíp, tranh thủ những lúc thời gian thuận lợi để đảm bảo kịp tiến độ của dự án”.
Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng đề án và nghị quyết của Quốc hội về việc tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương rà soát, đề xuất dự án thí điểm thực hiện phương pháp này. Một khi được thông qua, đây sẽ là trở thành động lực mới cho giải ngân vốn đầu tư công.
Đảm bảo tiến độ cả công tác thi công và giải ngân là nhiệm vụ quan trọng
Các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn
Không chỉ tại các địa phương, đảm bảo tiến độ cả công tác thi công và giải ngân cũng là nhiệm vụ quan trọng đang được đặt ra tại các dự án trọng điểm quốc gia. Như trong ngành hàng không, hiện nhiều dự án lớn đang được đồng thời triển khai, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp linh hoạt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Nằm cạnh nhà ga T1 sân bay Tân Sơn Nhất, dự án nhà ga T3 đang hối hả thi công ngày đêm. Gần 2000 kỹ sư, công nhân và hàng trăm máy móc thiết bị đã được huy động. Nhiều hạng mục đang vượt tiến độ từ 20-25 ngày.
Khi hoàn thành, đây sẽ là khu vực sảnh chờ tại tầng 3, tức là tầng cao nhất của nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Cho đến thời điểm này, 6 khu vực như thế này đã được cất nóc và theo tiến độ thì đến ngày 30/4 tới đây, 4 khu vực còn lại cũng sẽ được cất nóc để thi công tiếp phần mái.
Tại các dự án trọng điểm của ngành hàng không như sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, các nhà thầu đều cho biết, tiến độ thi công nhiều hạng mục chính đang được bám sát. Việc nghiệm thu thanh toán cũng được tiến hành định kỳ hàng tháng.
Ông Vũ Văn Long – Phó Giám đốc Ban điều hành Gói thầu số 12, Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ: “Tất cả các mốc thời gian đặt ra đối với công tác kiểm tra khối lượng và nghiệm thu thì đều đáp ứng được tiến độ và giải ngân gần như đảm bảo tiến độ theo thời gian cho nhà thầu, đảm bảo đủ nguồn vốn để huy động được vật tư nhân lực đảm bảo thi công”.
Trung tá Lê Văn Tiến – Chỉ huy trưởng Liên danh Gói thầu 4.6, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa ý kiến: “Cùng với chủ đầu tư, tư vấn giám sát lên kế hoạch giải ngân theo tháng, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch giải ngân đến hết dự án và có các cam kết về các mốc giải ngân”.
Với các dự án trọng điểm, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo hệ thống kho bạc ưu tiên tập trung giải ngân vốn, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cũng sẽ có chế tài đối với các dự án chậm giải ngân.
“Trên cơ sở kết quả giải ngân của từng địa phương, từng dự án, chúng tôi sẽ công khai từng bộ ngành địa phương các dự án không thể giải ngân được và trong đó sẽ yêu cầu có sự điều chỉnh” – ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhận định.
Cũng theo Bộ Tài chính, để đảm bảo tiến độ và tính khả thi của công tác giải ngân, ngay từ khâu phân bổ vốn đã phải có kế hoạch theo từng tháng, từng quý. Đồng thời có sự điều hoà một cách linh hoạt để làm sao đồng vốn được đưa ra nền kinh tế hiệu quả nhất.
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công; nếu giải ngân hết nguồn vốn này, GDP sẽ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, lượng vốn không hề nhỏ này cũng đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần linh hoạt, sáng tạo trong cách làm để đạt mục tiêu giải ngân 95% mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguồn: vtv.vn