Để tận dụng hiệu quả từ các FTA, chuyên gia cho rằng cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới nhằm khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 với chủ đề “Khơi thông động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 12/04, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế nhận định, kinh tế thế giới có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách khi mà các yếu tố ảnh hưởng chặt chẽ đến tăng trưởng kinh tế vẫn còn ngổn ngang và chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề xung đột địa chính trị, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, lạm phát, tiền tệ, nợ công… là vấn đề mang tính toàn cầu, do đó, có những tác động đến nền kinh tế nước ta.
Thách thức cạnh tranh
Trong khi đó, Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc thực thi FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư. Theo ông Trịnh Minh Anh, gần 30 năm kể từ khi nước ta ký kết và thực thi FTA đầu tiên với các nước ASEAN có hiệu lực vào năm 1995, cho đến năm 2003 khi Việt Nam ký kết FTA ASEAN – Trung Quốc với tư cách thành viên ASEAN, tăng trưởng xuất nhập khẩu của nước ta mới có chuyển biến rõ rệt. Cho đến nay, chúng ta đã ký kết 16 FTA vừa với tư cách thành viên ASEAN vừa với tư cách một bên độc lập, quy mô xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng, độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6 – 7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu tuy suy giảm nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng dương. Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nhu cầu hàng hóa thế giới và một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc EU, ASEAN, Nhật Bản sụt giảm; thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục thu hẹp; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng đã khiến nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng, nhưng cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022.
“Đánh giá khách quan từ các tổ chức quốc tế và các cơ quan trong nước, trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, xuất, nhập khẩu năm 2023 có sự hỗ trợ rất lớn từ hội nhập kinh tế quốc tế, giúp Việt Nam hợp tác thương mại với nhiều quốc gia hơn và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Theo đó, nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Việt Nam đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, để thấy khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đạt xuất siêu từ một số thị trường chính là: Hoa Kỳ ước đạt 83 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm trước; EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 7,6%; Nhật Bản 1,6 tỷ USD, tăng 90,3%. Cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu một số thị trường chính là: Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%; Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.
“Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp nước ta được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu”, ông Trịnh Minh Anh chia sẻ.
Đồng thời khẳng định, việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA. Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%. Kết quả này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng ta về hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.
Mặc dù những cơ hội mà các FTA là rất lớn, tuy nhiên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế cho rằng cần nhận diện được những rủi ro và thách thức.
Cụ thể, rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như vấn đề lao động, công đoàn, môi trường, thách thức về bảo đảm ổn định chính trị- xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Ngoài ra, những hạn chế nội tại như sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa đúng mức và chưa dành nguồn lực tương xứng cũng đã và đang là rào cản khiến cho không ít cơ hội từ FTA bị bỏ lỡ, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.
Vì vậy, việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết đối với cả các doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
Ông Trịnh Minh Anh cho biết, năm 2024 được dự báo là khu vực và thế giới sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, biến động khó lườngvới nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhiều thị trường ngày càng đề cao những tiêu chuẩn hàng hóa liên quan đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.
Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư năm 2024 có nhiều cơ hội để phục hồi và tăng trưởng khi vấn đề hàng tồn kho tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Việc nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Cần chiến lược bài bản, chủ động
Do đó, để thực thi hiệu quả FTA ông Trịnh Minh Anh cho rằng, cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh.
Như vậy, để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh, cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động nhằm góp phần khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn