Tờ New Zealand Herald vừa bình chọn 9 chuyến du lịch tàu lửa sang trọng nhất châu Á, bất ngờ trong số đó có chuyến tàu ở Việt Nam. Chuyến tàu này cũng vừa được báo Anh Telegraph ca ngợi dù có giá vé cao ngất ngưởng.
Trong khi hầu hết mọi người coi châu Âu là nơi đi du lịch bằng tàu hỏa nhàn nhã thì châu Á cũng có một mạng lưới tàu hỏa sang trọng tuyệt đẹp đang chờ đón hành khách của họ trên hành trình để đời.
Theo Telegraph, chuyến tàu lửa sang trọng ở Việt Nam thực ra là một toa được đầu tư thiết kế riêng biệt để đưa đón du khách trên con tàu Thống Nhất, có giá vé lên tới 250 bảng Anh (khoảng 8 triệu đồng), chạy hành trình ngắn từ Quy Nhơn đến Đà Nẵng. Được sáng tạo bởi một tập đoàn khách sạn ở miền Trung, đây là bước đột phá đầu tiên của Việt Nam vào lĩnh vực du lịch đường sắt hạng sang.
Du khách đi trên toa tàu này được phục vụ bữa ăn ba món, dịch vụ mát-xa miễn phí và đồ uống miễn phí trong hơn 6 tiếng rưỡi – tất cả đã bao gồm trong giá vé, bắt đầu từ 250 bảng Anh mỗi chiều. Tuy nhiên, giá này chỉ là một phần nhỏ số tiền bạn có thể trả cho một chuyến đi trên những con tàu siêu sang như British Pullman (châu Âu) hoặc Orient Express (châu Á).
Toa tàu có tên Vietage độc đáo ở chỗ nó là một toa duy nhất gắn liền với tàu Thống Nhất, tuyến tàu chính nối thủ đô Hà Nội và đô thị phía nam của đất nước, TP.HCM. Chuyến khởi hành về phía nam từ Đà Nẵng là lúc 8 giờ 15 sáng, trong khi chuyến về hướng bắc từ Quy Nhơn bắt đầu lúc 12 giờ 53.
Nhìn từ bên ngoài, toa tàu trông giống hệt phần còn lại của đoàn tàu: màu xám bê tông nhạt với những vệt xanh, đỏ và trắng. Mặt khác, nội thất là một sự khám phá mang tính thẩm mỹ Đông Dương với chất liệu gỗ và mây ấm áp. 12 chiếc ghế sang trọng thực sự giống những chiếc ghế bành hơn, và phần đuôi toa được bố trí một quầy bar hình bán nguyệt, nơi phục vụ cocktail theo yêu cầu, cũng như một phòng trị liệu để mát-xa miễn phí và một phòng tắm có thể trông thật lạc lõng trong một khách sạn 5 sao.
Khi cỗ xe rời ga và bắt đầu lắc lư nhịp nhàng, uốn lượn qua khu đô thị Đà Nẵng, qua những chiếc xe máy và những ngôi nhà ven đường, người phục vụ sẽ đến bên du khách với những chiếc bánh ngọt và danh sách đồ uống, trong khi một người phục vụ khác xuất hiện với một chai Taltarni T Series Brut, một loại rượu vang sủi bọt có nguồn gốc từ Úc.
Khung cảnh thành phố dần lùi lại, thay vào đó là những hàng chuối rung rinh, những con cò trên cánh đồng và những người nông dân làm việc cực nhọc trong những chiếc nón lá.
Thỉnh thoảng, du khách đi ngang qua những ao sen vừa chớm nở, thường có một con trâu nước đơn độc gặm cỏ. Ở phía xa, sẽ luôn có những ngọn núi nào đó bị sương mù che phủ…
Sau bữa sáng, du khách có thể mát-xa trong 15 phút trong tiếng nhạc nhẹ nhàng át đi tiếng lạch cạch của đường ray rồi quay trở lại chỗ ngồi bên cửa sổ của để thưởng thức bữa trưa dài thư giãn. Thực đơn gồm các món ăn phương Tây và Việt Nam (tất cả đều được chế biến tại các khu nghỉ dưỡng của Anantara sau đó được phục vụ trên tàu), và món vịt quay, được làm nổi bật với các nguyên liệu địa phương như dâu tây Đà Lạt và trà xanh…
Ngoài Vietage ở Việt Nam, tờ New Zealand Herald còn đưa ra 8 chuyến tàu xa hoa nhất châu Á: Eastern & Oriental Express, Singapore/Malaysia; Train Suite Shiki-Shima, Nhật Bản; Twilight Express Mizakaze, Nhật Bản; Seven Stars Kuyshu, Nhật Bản; Shangri-La Express, Trung Quốc; và ba con tàu khác ở Ấn Độ: Golden Chariot, Maharaja’s Express, Deccan Odyssey.
{C} {C}
{C}
Nguồn: thanhnien.vn