Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Năm 2023 được coi là “năm bản lề” của chuyển đổi số Việt Nam, với nhiệm vụ tập trung vào dữ liệu số, số hóa và tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong khi đó, năm 2024 tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu đưa chuyển đổi số vào đời sống thực tế, góp phần bứt phá phát triển kinh tế – xã hội.
Để thành công trong việc chuyển đổi số, việc xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng và an toàn, cùng với quản lý hiệu quả, là vô cùng quan trọng. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, sự xu hướng đưa dữ liệu lên đám mây và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng góp phần thay đổi cục diện của quá trình chuyển đổi số.
Để giải bài toán vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt trong xu hướng ứng dụng điện toán đám mây, mới đây CDNetworks và Sunteco đã hợp tác chiến lược để cung cấp một nền tảng dịch vụ công nghệ toàn diện, các dịch vụ tăng tốc truy cập và an ninh bảo mật cho các hệ thống của doanh nghiệp. Đồng thời, cam kết tăng cường giải pháp an ninh bảo mật.
“Thông qua hợp tác với Sunteco, chúng tôi muốn nhấn mạnh cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam. CDNetworks sẽ giúp hỗ trợ đưa các dịch vụ, nội dung số của các doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới, giúp họ nâng cao vị thế và tăng cường cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Phan Việt Linh – Giám đốc CDNetworks Việt Nam – chia sẻ.
Ông Phan Việt Linh, Giám đốc CDNetworks Việt Nam
Trong khi đó, Nguyễn Lê Châu – Giám đốc Công ty CP Sunteco – cho biết hợp tác với CDNetworks sẽ giúp công ty triển khai các gói sản phẩm cho từng doanh nghiệp.
“Chúng tôi sẽ ‘đo ni đóng giày’ các gói sản phẩm dịch vụ cho từng doanh nghiệp khách hàng, nhất là với những doanh nghiệp nhỏ và vừa với chất lượng và chi phí tối ưu nhất”, ông Châu cho biết.
Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm công tác chuyển đổi số, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số…
Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số dần được hoàn thiện. Đến nay, 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024; 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu; Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin…
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết hiện đã có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; 100% xã kết nối Internet cáp quang; di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh, với 80,44% thủ tục hành chính đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến.
Đáng chú ý, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt đạt 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP… Trong quý I/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%.
Nguồn: vtv.vn