Monday, November 11, 2024

Ông ‘Sáu Lò’ Bùi Kinh Lăng

Nhà văn, nhà báo Bùi Kinh Lăng (tên thường gọi là Sáu Lăng) nguyên Tổng biên tập Báo Giải Phóng (tiền thân của Báo Sài Gòn Giải Phóng) là một vị thủ trưởng đặc biệt xuề xòa.

Hồi ở trong chiến khu, có những thời gian bị địch đánh phá quá ác liệt, Báo Giải Phóng không ra được, anh chị em cán bộ báo suốt ngày chỉ lo đào hầm trú ẩn và chạy càn, thì ông Sáu Lăng bỗng dưng nổi tiếng trong báo vì một nghề hoàn toàn mới lạ: nghề đắp bếp lò.

Số là, ở rừng cực khổ nhưng mỗi nhà báo thường có trong ngôi nhà nhỏ lợp lá trung quân của mình một… cái bếp lò. Đắp bằng đất gò mối. Để nấu nước pha trà, đôi khi có món gì như rau xanh hay con chuột, con kỳ đà…, thì đun nấu làm… mồi nhậu. Rượu không sẵn, nhưng có thể mua được một thứ rượu gạo hơi nhạt ngoài phum sóc của bà con Khmer.

Nhu cầu đắp bếp lò vì thế là nhu cầu có thật. Và không phải nhà báo nào cũng có “tay nghề” khéo để đắp được một bếp lò nấu không khói và nước mau sôi. Vậy là vị Tổng biên tập bèn ra tay độ… bếp. Ông Sáu Lăng quả thật có biệt tài đắp bếp lò bằng đất gò mối. Bếp lò ông đắp đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, và rất tiện dụng. Có thể vừa nấu nước, vừa nướng bắp… Anh em trong Báo Giải Phóng phải xếp hàng… đặt hàng ông Sáu đắp bếp cho nhà mình.

Vị Tổng biên tập, vào lúc báo không ra được, tin bài cũng không nhiều, nên gần như toàn bộ thì giờ rảnh ông Sáu đều tập trung… đắp bếp lò. Và nuôi gà. Ông Sáu cũng là tay nuôi gà cực “mát” trong rừng. Trứng gà nhà ông dành để cho những nhà báo bị sốt rét bồi dưỡng, là món quà quý lúc bấy giờ.

Biệt danh “Ông Sáu Lò” ra đời từ đó, và lan truyền không chỉ trong căn cứ của Ban tuyên huấn, mà các ban khác cũng biết tiếng. Hồi ấy tôi ở Ban binh vận, sau qua Đài Phát thanh Giải Phóng nên có dịp gần “cứ” ông Sáu Lò. Nhiều lần tôi sang Báo Giải Phóng chơi với bạn bè, gặp ông Sáu, thầy trò lại hể hả bù khú trà lá bên cái bếp “Sáu Lò”. Ông còn luộc đãi cho vài quả trứng gà “mới bóc tem” ăn vào đâu biết tới đó!

Ông 'Sáu Lò' Bùi Kinh Lăng

Ông ‘Sáu Lò’ Bùi Kinh Lăng

T.L

Cứ nghĩ, một ông già tính tình xuề xòa hề hà như thế mà làm báo thì làm sao nhỉ? Vậy mà khi Báo Giải Phóng có điều kiện ra lại, ông “Sáu Lò” lại trở về là một Tổng biên tập Bùi Kinh Lăng sắc sảo, nhanh nhạy. Sau hòa bình tôi mới biết, ông “Sáu Lò” còn viết kịch bản cải lương, kịch bản sân khấu. Ông là nhà báo, nhà văn hẳn hoi, mà lúc ở trong rừng nếu ai gặp ông, đố biết ông là ai! Ông chỉ là một “ông già Bắc Kỳ” ở Nam bộ lâu năm, và là “ông Sáu Lò”.

Tôi tìm đọc một đoạn hồi ký của một người Việt Cộng – Văn nghệ từng dưới trướng “Ông Sáu Lò” những năm 1963 để hiểu thêm về ông già Bùi Kinh Lăng:

“Khoảng tháng 6.1963, khi nhà văn Anh Đức viết tới phần cuối tiểu thuyết Hòn Đất, tại bên kia suối Hòa Hiệp (xóm Giữa) nơi Tiểu ban văn nghệ mở lớp tập huấn cho 2 đoàn văn công (Văn công giải phóng và Văn công chính trị quân giải phóng). Gọi là “bên kia suối”, có một lùm cây xay cao tầng, lá xanh mượt, tươi mát suốt mùa. Chú Sáu nhờ tụi tôi làm một vuông nhà sàn nho nhỏ, phát dọn một khoảng sân, làm bàn cây săng con, chỗ uống trà cho nhà văn Anh Đức. Anh Bảy Anh Đức nhà ta có tác phong rất hành chánh là “viết đúng giờ”. Cứ buổi sáng thể dục nhẹ, vệ sinh cá nhân xong, “hội họp bàn trà” tới đúng 8 giờ là ngồi vô bàn “trì chí ngồi viết”. Đồng thời, đồng cảnh đó là chú Sáu Lăng cũng giăng cái võng Trường Sơn kế bên đó, rồi…

“Hiu hiu lá gió rừng thưa

Chú thức gần sáng mà chưa ngủ bù

Cháu con, son mí, xự hò

Xắc-cốt trên bụng chú khò khò một hơi”.

Mỏi mệt sáng đêm lo toan ba bên, bốn bề, sáng ra chủ đề của chú Sáu Lăng là lo cho Anh Đức tiếp tục “trì chiết” với cuốn tiểu thuyết đầu tay của miền Nam chiến đấu giải phóng. Thừa nhàn một tí, chú Sáu gọi là “ngả lưng, chợp mắt” cho đỡ mệt mỏi. Tôi ngồi một bên đó, thấy vậy mà lòng yên tâm, lẳng lặng về bên trường để vào buổi tập dượt mới với đoàn…

Như vậy, rồi có khi buổi chiều chú Sáu Lăng lại vô Trường Thông tin – Báo chí – Văn nghệ ở sau Lò Gò, dọc theo suối Mây, quan sát tình hình ăn học của gần 100 học viên các tỉnh miền Nam về học, để điều chỉnh, động viên anh chị em, cũng là để thăm và bàn bạc với bác Tư Trần Hữu Trang về tình hình tác phẩm cho giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu miền Nam Việt Nam”.

Cũng xin nói một chút: những địa danh như Xóm Giữa, Lò Gò hồi năm 1963 chính là địa danh tôi quen thuộc những năm 1973 – 1974 khi căn cứ binh vận của chúng tôi dời về đất Việt Nam, ở sát sông Vàm Cỏ Đông. Xóm Giữa hay Lò Gò đều nằm cạnh sông Vàm Cỏ.

Vậy thôi! Người ta nói thời thế tạo anh hùng, nhưng thời thế cũng tạo ra những người lao động độc đáo và có ích, rất có ích cho cộng đồng, nhất là cho các nhà văn, nhà báo thời chiến tranh chống Mỹ. Ông “Sáu Lò”, Tổng biên tập Báo Giải phóng, là nhà văn Bùi Kinh Lăng nổi tiếng, đúng một người như vậy.


Nguồn: Thanhnien.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img