Hoạt động khai thác khoáng sản tại Hà Giang đang bộc lộ những tác động tiêu cực tới môi trường và để lại nhiều hệ lụy.
Ghi nhận của Thanh Niên trên địa bàn xã Minh Sơn (H.Bắc Mê, Hà Giang), địa phương này có mỏ quặng sắt Sàng Thần của Công ty CP đầu tư khoáng sản An Thông; mỏ sắt Suối Thâu của Công ty CP thép An Khang và mỏ chì – kẽm Tà Pan của Công ty CP khoáng sản Minh Sơn.
3 mỏ này nằm gần nhau (cách trung tâm xã Minh Sơn khoảng 10 – 20 km). Theo người dân địa phương, việc 3 mỏ nằm gần nhau đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Trước đây, hoạt động khai thác đã làm ô nhiễm nặng nguồn nước suối Lũng Vầy (con suối huyết mạch chảy ra xã Minh Sơn). Hiện nay thì thêm cả ô nhiễm do tiếng ồn và khói bụi do những chiếc xe tải chở quặng nối đuôi nhau băm nát đường dân sinh.
Suối Lũng Vầy nhiều đoạn nước đục ngàu
ĐÌNH HUY
Từ mỏ Sàng Thần, xuôi về hạ lưu là mỏ chì – kẽm Tà Pan và Suối Thâu. Cả 3 đều nằm trên trục đường, các bãi chứa chất thải đều nằm cạnh con suối huyết mạch của xã Minh Sơn. Chính vì vậy, suối Lũng Vầy có nhiều đoạn nước đục, chuyển vàng. Thậm chí, nước suối đầu nguồn, chảy ra từ đoạn khai thác mỏ Sàng Thần, đổ vào suối Lũng Vầy cũng có màu lạ.
Nước suối Lũng Vầy chảy qua 5 thôn (mỗi thôn có 150 – 200 hộ dân sinh sống) rồi đổ xuống hạ nguồn, hòa vào những nguồn nước khác, vốn là nơi tắm, giặt, bắt cá… và gắn với đời sống nhưng vài năm nay đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây.
Bà L.T.P (53 tuổi, thôn Là Sán, xã Minh Sơn) cho biết, từ khi có hoạt động khai thác khoáng sản thì đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ tiếng ồn, bụi, nguồn nước sinh hoạt… “chúng tôi nói mãi nhưng chẳng ai nghe thấy”.
Bà P. chỉ đích danh việc khai thác mỏ Sàng Thần và mỏ chì – kẽm Tà Pan là 2 tác nhân chính. Trước đây, cá ở suối rất nhiều, đánh bắt nhưng không bao giờ hết nhưng từ khi có mỏ thì không còn con nào.
Để chứng minh lời nói của mình, bà P. kể: “Cách đây khoảng 6 – 7 năm, khi bố tôi còn sống. Một hôm trời mưa, ông đi đánh cá và lặn xuống suối gỡ lưới. Sau đó bố tôi bị ngứa, rụng hết tóc. Lúc đi khám bệnh thì được bác sĩ nói do dính chất độc gì đó”, bà P. nói.
Kể từ đó, bà P. và người dân không dám dùng nước suối nữa mà phải kéo nước sạch từ nơi khác về sinh hoạt. Theo bà P., ngoài nguồn nước, mỗi ngày, dân làng bị tiếng ồn của các đoàn xe tải tra tấn, đã có thời điểm cả làng chặn xe không cho vào mỏ để được nghỉ ngơi.
“Về bụi thì không phải nói nhiều, mỗi ngày mà chúng tôi không quét dọn nhà thì bẩn khủng khiếp. Trước đây, khi chúng tôi chặn xe thì được yên một thời gian. Thời gian sau đó lại đâu vào đấy, trong buổi họp cử tri tiếp xúc với chính quyền, có nhà còn kêu xe tải đi qua rung lắc làm rơi cả bàn thờ”, bà P. nói.
Trên con đường dọc suối Lũng Vầy, PV liên tục nhận được những phản ánh của người dân cho rằng, nước thải từ các mỏ khoáng sản trên đã đầu độc dòng suối này. Nhiều năm nay, người dân, chẳng còn ai dám tắm giặt, hay còn bất cứ hoạt động gì đến con suối này nữa.
Không chỉ ở hạ nguồn, những người trên thượng nguồn cũng bị ảnh hưởng bởi những tác động từ Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn (Công ty An Thông). Anh T.V.C (người dân thôn Khuổi Lòa, xã Minh Sơn, H.Bắc Mê), bãi chứa chất thải khổng lồ của nhà máy này nằm ở đầu nguồn suối, mỗi khi trời mưa, con suối chảy qua địa bàn lại có màu nước đục ngầu, đen ngòm.
Màu nước lạ gần khu mỏ khiến địa phương “bất lực”?
PV đã có cuộc trao đổi với ông Thào Mỹ Chính, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn về tình trạng trên.
Ông Chính thừa nhận việc các mỏ khoáng sản hoạt động đã ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân. Ông cho biết, người dân đã từng chặn đoàn xe tải chở quặng đi qua thôn nhiều lần vì gây ồn khiến họ không ngủ được. Lần nào cũng vậy, chính quyền cũng phải vào cuộc xử lý.
Vị chủ tịch xã cho biết, năm ngoái, bể chứa chất thải của Công ty CP khoáng sản Minh Sơn (đơn vị khai thác mỏ chì – kẽm Tà Pan) đã gặp sự cố tràn ra môi trường. Sau đó, công ty này phải dừng hoạt động để khắc phục lại. Đến thời điểm hiện tại thì chưa có sự cố gì thêm nhưng tương lai thì “vẫn là nỗi lo”.
Khi được PV cung cấp hình ảnh dòng nước có màu lạ, chảy từ khu vực gần mỏ Sàng Thần đang khai thác xuôi xuống suối Lũng Vầy, ông Chính khẳng định đúng là có màu nước lạ bởi chính quyền cũng từng phát hiện.
“Năm ngoái, chúng tôi đã từng kiểm tra đột xuất 2 lần đúng tại khu vực này, cả 2 lần đều thấy màu nước lạ, 1 lần xuất hiện nước vàng, 1 lần xuất hiện nước trắng như sữa. Nghi ngờ khu mỏ xả thải ra suối chúng tôi đi lên lán của họ kiểm tra thì nước ở đó lại trong veo, chỉ có nước ở khe suối ngay đó là có màu. Chúng tôi cũng không biết nước màu này ở đâu ra”, ông Chính nói.
Nguồn: thanhnien.vn