Lần lượt kết thúc “mối lương duyên” với Nissan rồi MG, Tan Chong rục rịch trở lại thị trường Việt Nam sau một thời gian vắng bóng, thông qua việc hợp tác với tập đoàn Trung Quốc – GAC Group, phân phối ô tô tại Việt Nam.
Cụ thể, mới đây Tập đoàn Tan Chong chính thức được chỉ định là nhà nhập khẩu, phân phối các dòng ô tô chạy xăng của GAC Group tại Việt Nam từ tháng 2.2024. Trong thông báo mới nhất, doanh nghiệp của Malaysia cho biết: “Thương hiệu GAC sẽ được Tập đoàn Tan Chong phân phối thông qua công ty con TCSV (TC Services Việt Nam) và được ủy quyền tham gia phân phối bán lẻ các loại ô tô, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và phụ tùng thay thế theo pháp luật Việt Nam”.
GAC Group có trụ sở chính tại Quảng Châu (Trung Quốc) là công ty cổ phần nhà nước có liên doanh với các hãng xe như: Toyota, Honda… Ngoài GAC Motor, tập đoàn Trung Quốc còn sở hữu các thương hiệu ô tô như Aion, Trumpchi, Hyper và đồng sở hữu thương hiệu xe điện Hycan (cùng với Nio).
Tại thị trường Trung Quốc, GAC sở hữu danh mục sản phẩm khá đa dạng với 4 dòng sedan, gồm: Empow, Ga4, Ga6, Ga8; 5 dòng SUV, gồm: GS3, GS4, GS5, GS8, Emkoo và 4 dòng MPV, gồm: GN6, GN8, M6 Pro và M8. Năm ngoái, doanh số của GAC Motor đạt 406.506 xe, chiếm khoảng 1,8% thị phần tại thị trường ô tô Trung Quốc.
GAC Group thực chất là đối tác quen thuộc với Tan Chong, trước đó tại Malaysia Tan Chong đã phân phối độc quyền các dòng xe xăng, Hybrid sạc ngoài (PHEV) và dòng xe thuần điện thuộc thương hiệu GAC Aion. Thậm chí, Tan Chong còn hợp tác với GAC Motor xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô trị giá 12 triệu USD tại Malaysia để sản xuất mẫu xe GS3 EMZOOM.
Cùng hợp tác để gia nhập thị trường Việt Nam lần này, bản thân Tan Chong cũng như GAC Motor sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh tại một thị trường ô tô vốn còn nhiều tiềm năng như Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi thương hiệu GAC vốn còn xa lạ với hầu hết khách hàng Việt Nam, đồng thời chịu áp lực cạnh tranh lớn tại thị trường Việt Nam vốn ngày càng đa dạng mẫu mã thương hiệu.
Về phía Tan Chong thông qua công ty con TCSV (TC Services Việt Nam) sẽ có chút lợi thế khi đã ít nhiều có kinh nghiệm và phần nào hiểu thị hiếu người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những mối lương duyên ngắn ngủi cùng Nissan hay MG tại Việt Nam trong quá khứ, nay trở lại thị trường với một thương hiệu ô tô Trung Quốc, Tan Chong chắc hẳn sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi từ phía khách hàng về chất lượng sản phẩm, hậu mãi cũng như dịch vụ sau bán hàng.
Nguồn: thanhnien.vn