Không phải ngẫu nhiên mà trái tim được ví von như “chìa khóa” vận hành toàn bộ cơ thể con người. Nó gắn bó mật thiết với sự sống, cũng là cơ quan bận rộn nhất vì phải hoạt động không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời mỗi người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thì bệnh tim mạch đang chiếm tỷ lệ cao nhất. Khoảng 2 giây lại có 1 người chết vì bệnh tim mạch và 5 giây có một người bị nhồi máu cơ tim trên toàn thế giới.
Bệnh tim mạch là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, nếu trước đây tim mạch thường được coi là bệnh lý của người già thì hiện tại nó đang trẻ hóa nhanh đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chính những thói quen trong ăn uống, lối sống không lành mạnh, sự căng thẳng kéo dài…
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao không chỉ vì mức độ nguy hiểm, cấp tính mà còn là do thường bị lơ là, phát hiện muộn. Nếu không muốn khổ sở, thậm chí mất mạng vì bệnh tim mạch, đừng bỏ 4 4 tín hiệu bất thường cơ thể phát ra để cảnh báo vào ban đêm sau đây:
1. Khó thở kèm đau tức ngực
Đau tức ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu, rất dễ xảy ra vào ban đêm. Lúc này, người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, ở trên rốn… Có thể biểu hiện với cơn đau thắt ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5 – 10 phút và có xu hướng lặp lại.
Khi trái tim gặp vấn đề, khó thở và đau tức ngực là khó tránh khỏi (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, nếu cảm giác tức ngực kèm khó thở ngay cả khi bạn đã nằm xuống hoặc khiến bạn tỉnh giấc khi đang ngủ tức là trái tim đã gặp vấn đề nghiêm trọng, cần đi khám càng sớm càng tốt. Bởi vì tim không thể hoạt động bình thường ngay cả trong trạng thái nghỉ ngơi, nhiều khi phải ngồi dậy thay vì nằm để thở dễ dàng hơn. Triệu chứng này thể hiện tình trạng suy tim, khi chức năng co bóp của tim không đảm bảo tống máu đi nuôi cơ thể.
Khi gặp trường hợp này lặp lại nhiều lần, chuyên gia y tế khuyến cáo cần nghỉ ngơi tuyệt đối, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bởi vì đây cũng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp cực kỳ nguy hiểm.
2. Ho dai dẳng và buồn nôn
Các bệnh tim mạch, nhất là suy tim làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang sẽ gây ra tình trạng ho thành cơn kéo dài và dai dẳng. Ho sẽ nhiều hơn vào ban đêm, khi người bệnh nằm xuống. Ngoài ra, người bệnh tim cũng có thể bị những cơn ho do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim như một số thuốc ức chế men chuyển.
Ho dai dẳng ngoài bệnh lý đường hô hấp thì cũng có thể là dấu hiệu bệnh tim (Ảnh minh họa)
Buồn nôn cũng là triệu chứng điển hình của bệnh suy tim. Người bệnh thường cảm giác no tức bụng do máu bị ứ ở gan và các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này làm cho gan và các cơ quan tiêu hóa cũng bị giảm chức năng. Từ đó khiến bạn cảm thấy buồn nôn mỗi khi nằm xuống hoặc sau khi ho xong. Nó thường đi kèm với chứng chán ăn, ăn không ngon vào ban ngày.
3. Lo lắng, thức giấc giữa đêm
Khi trái tim gặp vấn đề, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn để bù lại việc suy giảm chức năng bơm máu. Vì vậy, người mắc bệnh tim mạch khi ngủ ban đêm thường thấy hồi hộp, lo lắng, bồn chồn và có thể nghe rõ nhịp tim đập nhanh như đánh trống ở ngực. Từ đó dẫn đến mất ngủ, thiếu ngủ và mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
Đừng xem thường việc tỉnh giấc nhiều lần giữa đêm vì đó là tín hiệu “cầu cứu” từ cơ thể (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, người có trái tim khỏe mạnh thường sẽ ngủ say, ngủ một mạch đến sáng. Nhưng do bệnh tim mạch khiến máu bơm đến các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là não bộ bị rối loạn, thiếu máu. Như vậy sẽ khó mà ngủ sâu giấc, thường bị thức giấc nhiều lần giữa đêm. Ngoài ra, việc bị tức ngực, khó thở khi nằm cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, tỉnh giấc ban đêm ở người gặp vấn để với trái tim.
4. Tay chân lạnh hoặc đổ mồ hôi, phù nề
Lạnh tay chân có liên quan trực tiếp đến việc lưu thông máu kém của cơ thể. Trong khi đó, nhiệm vụ chính của tim là bơm máu đến các động mạch, mọi cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Điều này lý giải tại sao khi mắc bệnh tim mạch thì tay chân lại thường bị lạnh.
Tình trạng này sẽ thường xảy ra hoặc trở nên nặng hơn vào ban đêm. Do khi đó nhiệt độ xuống thấp hơn, cộng thêm tư thế nằm khiến hoạt động của tim bị khó khăn hơn. Từ đó, quá trình lưu thông máu không ổn định khiến lượng máu đưa về bàn chân, bàn tay không được cung cấp đầy đủ và gây lạnh tay chân.
Khi trái tim gặp vấn đề cũng sẽ dấn tới nhiều bất thường ở tay chân nhưng ít ai để ý (Ảnh minh họa)
Bên cạnh lạnh tay chân, lòng bàn tay hay bàn chân bị đổ mồ hôi, tay chân phù nề ban đêm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch. Trong đó phổ biến nhất là bệnh suy tim, vì nó khiến rối loạn bơm máu. Chứng rối loạn thần kinh thực vật hay còn gọi là rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh tim cũng khiến tay chân bị đổ mồ hôi, thường đi kèm với tim đập nhanh, hồi hộp và khó ngủ.
Còn sưng, phù nề do bệnh tim thì thường xảy ra ở bàn chân nhiều hơn so với ở tay. Sưng cũng có thể xảy ra khi van tim không đóng lại bình thường. Sưng, phù chân liên quan đến tim thường đi kèm với các triệu chứng khác bao gồm khó thở, mệt mỏi, chóng mặt và hay buồn nôn.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, webMD
Nguồn: toquoc.vn