Nhận diện khó khăn, tiếp sức cho xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Nghệ An đang gặp khó bởi tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, chi phí logistics đội cao…

Nói riêng tại Nghệ An, các doanh nghiệp xuất khẩu đóng trên địa bàn hiện vẫn đang phải xoay sở tìm mọi cách, chắt chiu từng cơ hội để gia tăng đơn hàng từ các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, những rào cản về quy định, chính sách, logistics, vốn, nguồn lao động,… thì lại làm suy giảm sức cạnh tranh, đẩy họ vào thế khó.

Lao động thiếu, chi phí đội cao…

Theo thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Nghệ An cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự tăng trưởng tích cực, đáng ghi nhận về cả kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu ngân sách Nhà nước.

Vậy nhưng, theo đánh giá của lãnh đạo ngành Công Thương tỉnh này thì tình hình xuất khẩu của Nghệ An mặc dù có tăng trưởng nhưng chưa thực sự vững chắc, tính hiệu quả chưa cao. Cụ thể là hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn thấp, tỷ lệ giá trị nội địa hóa trong hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan còn hạn chế; mặt hàng xuất khẩu tuy đa dạng nhưng quy mô còn bé, nhiều mặt hàng còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh và thị trường ngoài nước như: Sản phẩm gỗ, tinh bột sắn, hạt tiêu,…

Qua góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng nêu ra thực trạng khó khăn hiện nay mà các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt, đó là thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi trở lại nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nhân công lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; đáp ứng tốc độ phát triển nhanh theo lộ trình, kế hoạch đề ra.

“Thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn trong việc tuyên truyền, hỗ trợ công tác tuyển dụng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực để phát triển nhà máy, ổn định sản xuất, ổn định thu nhập người lao động và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội” – ông Dũng mong muốn.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan thì đánh giá, vấn đề logistic đang có một số bất cập, hàng hóa phải di chuyển ra cảng Hải Phòng nên tăng chi phí dẫn tới các doanh nghiệp ở Nghệ An khó cạnh tranh với địa phương khác.

“Hàng đi mà không có hàng về thì không có hãng tàu nào làm được. Do vậy, cần có liên kết vùng với doanh nghiệp Hà Tĩnh, Thanh Hóa để tạo luồng hàng đi, nâng tần suất, công suất giúp cảng Cửa Lò phát triển, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải” – ông Thanh đề xuất.

Gia tăng hỗ trợ xuất khẩu

Bên cạnh những khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn nhân công lao động, logistics thì các vấn đề về quy hoạch, quy định, chính sách trong lĩnh vực xuất khẩu, nguồn vốn,… cũng đã và đang trở thành rào cản, níu chân doanh nghiệp xứ Nghệ phát triển. Do vậy, nhằm tiếp đà tăng trưởng, tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nhằm duy trì và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó hình thành và phát triển những sản phẩm, nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu.

Đồng thời, nêu rõ quan điểm của tỉnh là sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Nghệ An đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng xuất khẩu phong phú, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường thực hiện công tác xúc tiến xuất khẩu; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường xuất khẩu thông qua hoạt động kết nối cung cầu xuất khẩu, tổ chức các đoàn tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Mặc khác, địa phương cũng sẽ thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hóa, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh; khuyến nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, tăng sản lượng thu mua từ nguồn cung trong nước với những mặt hàng có giá nhập khẩu tăng cao và có phương án thay thế thị trường thích hợp; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghiệp vụ, tư vấn, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế…