Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021 – 2025
Chỉ thị nêu rõ: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng được hiện thực hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được trên 18.000 ha rừng tập trung, đưa tổng diện tích rừng trồng hiện có đến năm 2020 đạt gần 180.000 ha; tổng trữ lượng gỗ rừng trồng đạt trên 10,0 triệu m3; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 58,5%.
Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển, thu hút được nhiều nhà đầu tư tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản ngoài gỗ có bước tăng trưởng khá, là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh. Việc phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng gắn với các nhà máy chế biến được chú trọng. Cơ chế, chính sách về phát triển rừng nguyên liệu từng bước được hoàn thiện. Bước đầu triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm từ rừng, đáp ứng nhu cầu chế biến và thị trường xuất khẩu lâm sản. Đặc biệt, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ, là một trong ba khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng còn những tồn tại, hạn chế và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản. Kết quả trồng rừng tập trung chưa đồng đều giữa các vùng trong tỉnh; năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng còn thấp; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn ít. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao còn hạn chế, liên kết theo chuỗi từ khâu trồng rừng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân trồng rừng với doanh nghiệp còn yếu. Công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thiếu doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa cao, chưa đầy đủ và thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản. Một bộ phận người dân, doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu. Cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, nguồn lực đầu tư chưa được quan tâm đúng mức để khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng thâm canh chất lượng cao.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được lợi ích to lớn trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng, đặc biệt là trồng rừng thâm canh, trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và quản lý rừng bền vững gắn với công nghiệp chế biến lâm sản; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
2. Đẩy mạnh công tác giao đất gắn với giao rừng, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả vùng phát triển nguyên liệu của các dự án trồng rừng hiện có, định hướng phát triển bền vững vùng trồng rừng thâm canh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật. Kiên quyết chấm dứt các dự án có vùng nguyên liệu hoạt động không hiệu quả, các dự án chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên đất lâm nghiệp, cản trở các nhà đầu tư có tiềm năng khác vào đầu tư phát triển trồng rừng nguyên liệu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
3. Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn gắn với thực hiện quản lý rừng bền vững và cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu từ chọn, tạo giống, kiểm soát, bảo đảm chất lượng giống cho trồng rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
4. Tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến lâm sản; nghiên cứu các mô hình trồng rừng thâm canh kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng và du lịch sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng phục vụ cho lĩnh vực trồng rừng và chế biến lâm sản. Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách gắn với mục tiêu phát triển rừng trồng thâm canh chất lượng cao để hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp. Khuyến khích người trồng rừng thực hiện bảo hiểm nông nghiệp để giảm bớt rủi ro.
5. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào các khu, cụm công nghiệp chế biến lâm sản. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực chế biến lâm sản. Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đầu tư, xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 109/QĐ-TTg, ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Tổ chức thực hiện:
– Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghiêm túc Chỉ thị; bổ sung kịp thời các nội dung nêu trong Chỉ thị vào kế hoạch, nội dung công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện hằng năm.
– Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy xây dựng Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên địa bàn; chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai rà soát xây dựng kế hoạch và các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về rừng và đất – lâm nghiệp trên địa bàn.
– Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.
– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động mọi lực lượng xã hội để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị; đồng thời phát huy tốt vai trò, trách nhiệm phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này.
– Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là công tác trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng và công nghiệp chế biến lâm sản.
– Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia phong trào trồng rừng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn.
– Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này.
– Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ đảng.
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.
Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.