Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều điểm du lịch tiêu biểu, độc đáo bậc nhất khu vực ÐBSCL. Vùng đất này còn có sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa.
Nhiều điểm du lịch tiêu biểu nhất vùng
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết ÐBSCL là một trong 7 vùng trọng điểm du lịch của cả nước. Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu trong toàn vùng; trong đó Bạc Liêu là tỉnh có nhiều điểm du lịch tiêu biểu nhất vùng với 11 điểm.
Các điểm du lịch tiêu biểu của Bạc Liêu gồm: Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Khu quảng trường Hùng Vương; Khu nhà công tử Bạc Liêu; Khu biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát; Nhà hàng – Khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu; Khu Quán âm Phật đài; Khu điện gió Bạc Liêu; Di tích lịch sử – văn hóa chùa Xiêm Cán; Di tích lịch sử Nọc Nạng. Mỗi điểm du lịch tiêu biểu đều tạo dấu ấn riêng với nhiều sản phẩm đặc thù, trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, làng nghề, sinh thái…
Tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch
Thời gian qua, Trung tâm xúc tiến du lịch Bạc Liêu đã tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng những nét đẹp văn hóa, đặc sản của tỉnh khi tham gia nhiều sự kiện trên cả nước, như: Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” nằm trong khuôn khổ du lịch quốc gia Ðiện Biên năm 2024. Lần đầu tiên du lịch Bạc Liêu đã mạnh dạn mang nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương biểu diễn phục vụ du khách ở mọi miền Tổ quốc, với đoàn nghệ sĩ gồm: NSƯT Mỹ Hạnh – Phó giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, NNƯT Thanh Sữ, nghệ sĩ Hồng Nhiên, Lâm Minh Nghiêm. Ngoài ra, Trung tâm còn tham gia Ngày hội du lịch TP.HCM, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội… Không gian trưng bày của tỉnh Bạc Liêu cũng giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương. Bên cạnh đó là các nét đẹp về văn hóa, con người của Bạc Liêu, đặc sản ẩm thực Bạc Liêu đã góp phần lan tỏa, giúp du khách hiểu hơn về con người và vùng đất Bạc Liêu.
Theo ông Trần Văn Thi, địa phương muốn ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế biết thêm về tiềm năng, thế mạnh du lịch của Bạc Liêu. Qua đó thu hút các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư, phát triển du lịch Bạc Liêu, đặc biệt là du lịch xanh, du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh. Ðồng thời, giới thiệu về sự kiện Festival nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2024, do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 12.2024. Thông qua sự kiện này, Bạc Liêu mong muốn cùng các địa phương trên cả nước đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết du lịch dựa trên thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ Bạc Liêu có tiềm năng du lịch tự nhiên và văn hóa, có thể khai thác phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Vị trí địa lý, các hệ sinh thái, công trình văn hóa, di tích lịch sử, các giá trị văn hóa phi vật thể, ẩm thực, phong tục tập quán các dân tộc sinh sống trên địa bàn… đã tạo cho Bạc Liêu tiềm năng phát triển du lịch phong phú, độc đáo với nhiều loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch điện gió, du lịch văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm.
“Quá trình phát triển du lịch Bạc Liêu thời gian qua luôn có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ðảng bộ, chính quyền địa phương. Tỉnh đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực ÐBSCL”, ông Ngô Vũ Thăng thông tin thêm.
Nguồn: thanhnien.vn