LTS: Bóc tách những điểm yếu trong quản lý, và phát triển nguồn nhân lực khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) để từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp là những đòi hỏi cả trong ngắn hạn và dài hạn. Bởi thực tiễn, đây đang là một rào cản hàng đầu đối với chiến lược phát triển KCN, KKT.

Nhân lực cho khu công nghiệp: Khuyến nghị của người trong cuộc

Thông qua đào tạo thực tiễn, học viên sẽ tiếp thu được các kiến thức và kỹ năng mới nhất của từng ngành nghề. (Đào tạo nhân lực tại Nhà máy Thaco. Ảnh: Quốc Tuấn)

Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nước sáng giá trong khu vực châu Á về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều và đa dang, doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng các nguồn nhân lực có kỹ năng, chuyên môn và có năng lực quản lí, cũng như chi phí cho những nguồn nhân lực này ngày càng tăng nhanh.

Chúng tôi có 3 khuyến nghị: Thứ nhất, tăng cường hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp thông qua phương án sinh viên thực tập lâu dài tại các doanh nghiệp, giúp sinh viên sớm bước vào doanh nghiệp để học hỏi. Thông qua việc doanh nghiệp đào tạo thực tiễn, sinh viên sẽ trực tiếp tiếp thu được các kiến thức và kỹ năng mới nhất của từng ngành nghề, để những kỹ năng mà sinh viên học được trong trường chính là những thứ doanh nghiệp đang cần, giảm thiểu thời gian đào tạo của doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ quản lí: khi chúng tôi mở rộng qui mô tại Việt Nam, vấn đề thường gặp phải nhất là đội ngũ quản lí có kinh nghiệm rất khó tìm, đặc biệt là những người vừa có năng lực vừa được trang bị đủ tiếng Anh hoặc tiếng Trung thì càng khó tìm hơn. Do đó, các địa phương cần nâng cao năng lực ngoại ngữ của nguồn nhân lực quản lí doanh nghiệp.

Thứ ba, điều chỉnh chính sách về chuyên gia nước ngoài: ngoài việc xem xét, xác nhận tư cách chuyên gia nước ngoài dựa trên những vấn đề hình thức như bằng cấp và thâm niên ra, hy vọng còn có thể xem xét về kinh nghiệm làm việc thực tiễn, và có phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp không. Chúng tôi tin rằng một chính sách thân thiện đối với chuyên gia nước ngoài, sẽ có thể thu hút nhiều hơn nữa các chất xám, nhân tài trên toàn cầu, tuyệt đối là điểm cộng trong công tác phát triển trong tương lai của Việt Nam.