Monday, July 29, 2024

Gánh nặng hậu Covid-19: Cùng giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua



Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM có hàng trăm ngàn ca xuất viện. Trong số này, ngoài các di chứng như: yếu cơ, khó thở…, nhiều người mang nặng vấn đề về tâm lý.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, TP.HCM có hàng trăm ngàn ca xuất viện. Trong số này, ngoài các di chứng như: yếu cơ, khó thở…, nhiều người mang nặng vấn đề về tâm lý.

Ths. Trần Quang Trọng, chuyên viên Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết những vấn đề tâm lý hay gặp nhất của bệnh nhân (BN) hậu Covid-19 đến BV thường là stress sang chấn do trải qua khủng hoảng về tâm lý, từ đó dẫn đến một số tình trạng như: mất ngủ, trầm cảm, lo âu…

Sợ mất người thân

Ths. Trọng kể, một người đàn ông trung niên tên H. đến BV với tâm trạng lo âu. Ông H. cho biết cả nhà có 5 người đều là F0, đều đi cách ly, nhưng mỗi người lại nằm ở BV khác nhau. Ông không có thông tin về người thân của mình và bản thân ông phải thở máy. Khi biết mẹ mất vì Covid-19 tại BV, cộng với niềm hy vọng sống được rất thấp nên ông H. muốn kết thúc cuộc sống và không muốn điều trị nữa. Sau khi được các y bác sĩ (BS) trong BV thu dung cứu chữa, ông H. qua khỏi nhưng gặp sang chấn do mất mát người thân. Ở thời điểm đó, thể chất của ông H. cũng không được tốt.

Gánh nặng hậu Covid-19: Cùng giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua

Nhân viên y tế tư vấn cho bệnh nhân hậu Covid-19

“Di chứng sau khi nhiễm Covid-19, kèm theo tâm lý mất người thân, ông H. mang suy nghĩ nặng nề, là con nhưng không chăm sóc được cho mẹ, thậm chí khi mẹ mất cũng không làm được đám tang cho mẹ. Ông cứ bị cuốn vào dòng suy nghĩ tiêu cực đó và nó cứ ám ảnh khiến ông mất ngủ, lo âu dẫn đến sức khỏe ngày càng đi xuống. Lần đầu đến BV Lê Văn Thịnh, ông bày tỏ chỉ cần được ngủ”, Ths. Trọng kể.

Gánh nặng hậu Covid-19: Cùng giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua

Bệnh nhân hậu Covid-19 gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý

Một trường hợp khác là nữ BN hơn 60 tuổi sống với anh chị em và phát hiện bị nhiễm Covid-19 khi test nhanh để chạy thận (do bị suy thận giai đoạn cuối – PV). Bà được chuyển vô khu điều trị Covid-19, sau đó phải chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo). BV đã báo với gia đình về tình hình của bà, nhưng sau khi hồi phục, trong đầu bà cứ luẩn quẩn câu hỏi: “Không biết gia đình có bỏ mình luôn không?”. Bà suy sụp và cũng rơi vào trạng thái muốn kết thúc cuộc đời, không muốn điều trị nữa vì nghĩ rằng bị người nhà bỏ rơi.

Người thân thăm hỏi, động viên nhau thời điểm hậu Covid-19 là rất quan trọng. Đó có thể là tình thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình quân dân

Ths. Trần Quang Trọng, chuyên viên Khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức)

Chỉ đường cho bệnh nhân tự vượt qua

Theo Ths. Trọng, với những BN hậu Covid-19 hướng nội, ban đầu khi tiếp xúc với các chuyên gia tâm lý, họ thường rất dằn lòng, không thổ lộ nhiều. “Như BN H. đến gặp chuyên viên tâm lý do mất ngủ, lo âu vì mất người thân. Nhưng đó chỉ là sự kiện kích hoạt cho chuỗi những mặc cảm tâm lý của ông, vốn tích lũy từ bấy lâu nay. Nỗi đau mẹ mất là yếu tố kích hoạt khiến ông bị sụp đổ. Đối với người hướng nội, những gì đến với họ trong quá khứ sẽ được giữ lại trong lòng và càng ngày càng dồn nén. Đến lúc như 1 ly nước đầy, sẽ tràn ra ngoài”, Ths. Trọng chia sẻ.

Gánh nặng hậu Covid-19: Cùng giúp bệnh nhân nỗ lực vượt qua

Nếu có vấn đề tâm lý, bệnh nhân hậu Covid-19 cần sự hỗ trợ, động viên từ người thân

Với những BN như vậy, chuyên viên tâm lý sẽ giải thích cơ chế cảm xúc và giúp đưa suy nghĩ của BN từ vô thức thành ý thức. Đó là tập cho BN viết ra được suy nghĩ của mình. Cho BN viết nhật ký vào mỗi buổi tối. Khi BN bị mất ngủ, sẽ được hướng dẫn thay vì phải suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện, BN nên viết ra câu chuyện đó… Sau khi BN viết ra được một mạch sẽ không còn suy nghĩ vẩn vơ và có thể sẽ ngủ được. “Chúng tôi chỉ vạch ra con đường; còn BN phải tự vận động, tự chữa cho mình”, Ths. Trọng chia sẻ thêm.

Không hoảng sợ, nhưng không chủ quan

Theo Ths. Trọng, để điều chỉnh hành vi của BN hậu Covid-19 là rất khó vì mỗi người có mỗi câu chuyện khác nhau, cách giải quyết vấn đề cũng khác. Chuyên viên tâm lý chỉ có thể khuyên họ và gia đình rằng nếu BN có những vấn đề, suy nghĩ tiêu cực thì người nhà nên quan tâm và khuyên họ đến gặp một chuyên gia tâm lý; hoặc BN có thể nói ra với ai đó mà mình có thể tin tưởng để được giúp đỡ nhằm thay đổi hành vi. Nhưng quan trọng nhất, trước tiên phải tạo niềm tin cho BN. “Người thân thăm hỏi, động viên nhau thời điểm hậu Covid-19 là rất quan trọng. Đó có thể là tình thân trong gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình quân dân… Nhưng không phải ai hậu Covid-19 cũng gặp vấn đề tâm lý; có người vượt qua được vì họ có gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, có nguồn lực về kinh tế…”, Ths. Trọng nói.

Đồng quan điểm, BS Hoàng Ngọc Vân, Trưởng khoa Nội điều trị theo yêu cầu, kiêm Trưởng khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho BN sau điều trị Covid-19, BV Thống Nhất (TP.HCM), cho biết thêm dịch Covid-19 làm tổn thất về mặt tinh thần và vật chất của con người; khó khăn chồng chất chung cho tất cả mọi người. Chiến lược chống dịch của Chính phủ đã xác định là sống chung với dịch. Do vậy, người dân hãy bình tĩnh, không quá hoảng sợ cũng như không quá chủ quan; thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Hậu Covid-19, nếu có bất kỳ những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, đặc biệt là khó thở, sốt, đau ngực… đều phải đến BV. Hậu quả của Covid-19 sẽ còn kéo dài về mặt tâm lý, tổn thương về thực thể, biến chứng và di chứng của Covid-19”, BS Vân nói. Nếu đáp ứng điều trị tốt, từ 3 – 5 ngày BN sẽ có chuyển biến tích cực, khả năng phục hồi rất nhanh.

“Đối với BN hậu Covid-19 ở nhà, không có điều kiện đến BV, nên có lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực vì tinh thần là quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tập thể dục, tập hô hấp; ăn uống đầy đủ chất. Nếu có bệnh nền, nên tiếp tục đi khám bệnh và điều trị các bệnh nền theo chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý uống thuốc, không nghe theo hướng dẫn của những người không có chuyên môn y tế”, BS Vân nói.

Di chứng sau khi mắc Covid-19

Theo BS Hoàng Ngọc Vân, BN hậu Covid-19 đến BV Thống Nhất với nhiều bệnh nền và nặng lên. Nhưng hay gặp nhất là viêm phổi, tình trạng tổn thương phổi sau Covid-19 như: biến chứng tràn khí, nhiễm trùng phổi nặng. Ngoài ra, BV còn gặp những BN có các biến chứng về thần kinh như đột quỵ; biến chứng về tăng đông, viêm tắc huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, thuyên tắc tĩnh mạch chân. Độ tuổi thường khoảng từ 60 – 90; nhiều nhất là độ tuổi 50 – 70; tuổi trẻ cũng có một vài ca. Theo quy trình, BN sẽ được khám bệnh thông thường, sau đó BS sẽ đánh giá tiên lượng và giải thích cho BN, thân nhân và kê toa thuốc. Tiếp theo, BN sẽ được BS phục hồi chức năng khám và đưa những liệu trình điều trị phục hồi chức năng cho BN. Vai trò của Khoa Phục hồi chức năng cho BN hậu Covid-19 là rất quan trọng.

 

 

 

Hãy cài đặt PC-Covid, 1 ứng dụng duy nhất sử dụng trong giai đoạn bình thường mới, thuận tiện hơn trong việc khai báo và di chuyển. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.

Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.



PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi