Trong 3 tuần qua, gần 1 triệu người đã phải rời khỏi Rafah – thành phố phía Nam dải Gaza. Bất chấp làn sóng chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế, xe tăng của quân đội Israel hôm qua (28/5) đã tiến vào trung tâm thành phố Rafah – lần đầu tiên sau gần 8 tháng xung đột diễn ra tại đây.
Nhiều người dân tuyệt vọng tìm đường tháo chạy khỏi Rafah khi xe tăng của quân đội Israel tiến vào trung tâm thành phố. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA), ít nhất 940.000 người đã phải di dời khỏi Rafah khi tình hình chiến sự tại đây không có dấu hiệu suy giảm.
Nhiều nhân chứng cũng cho biết đã nhìn thấy các xe tăng xuất hiện gần thánh đường Al-Awda- công trình biểu tượng tại trung tâm thành phố. Khu vực Tel al-Sultan – nơi xảy ra vụ không kích thảm khốc đêm 26/5 ( giờ địa phương) khiến hàng chục người thiệt mạng – vẫn bị ném bom dữ dội. Xe tăng bắn phá mọi nơi ở Tel al-Sultan. Nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa trong đêm.
Hơn 100 xe tải viện trợ đã đến được Dải Gaza sau khi có thỏa thuận định tuyến lại hàng viện trợ qua cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza, song chưa thể phân phát do xung đột vẫn căng thẳng. Hoạt động phân bổ viện trợ càng thêm gián đoạn khi Mỹ hôm qua thông báo ngừng vận chuyển các chuyến hàng nhân đạo vào dải Gaza, do cầu tàu viện trợ bị hư hại bởi sóng biển.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận định “không còn nơi nào an toàn ở Gaza” trong bối cảnh cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ cuộc không kích của Israel nhằm vào một khu lều trại của người Palestine lánh nạn tại thành phố Rafah. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thừa nhận vụ việc là một “sự cố thảm họa”:
“Ở Rafah, chúng tôi đã sơ tán khoảng một triệu dân thường và mặc dù đã nỗ lực hết sức để không làm tổn hại tới người dân, nhưng không may là đã xảy ra sai sót nghiêm trọng. Chúng tôi đang điều tra vụ việc và sẽ đưa ra kết luận, vì đây là chính sách của chúng tôi.”
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp trong ngày 28/5 (giờ New York) sau vụ tấn công của Israel vào Rafah. Cùng ngày, các bộ trưởng ngoại giao EU tại Brussels – Bỉ đã lần đầu tiên có cuộc thảo luận quan trọng về việc trừng phạt Israel nếu nước này không tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về nguyên tắc khôi phục phái bộ dân sự của khối này tại thành phố Rafah. Các nước thành viên EU cũng ủng hộ việc mở một cuộc họp để yêu cầu Israel giải thích về cuộc tấn công ở Rafah bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động quân sự tại đây. Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Volker Turk hối thúc Israel tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Rafah. Mỹ kêu gọi Israel thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường. Phía Mỹ khẳng định đang tích cực phối hợp với Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và các đối tác trên thực địa để đánh giá tình hình.
Ông Matthew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự mất mát bi thảm về nhân mạng ở Rafah cuối tuần qua… Ngay khi Mỹ nhận được báo cáo về vụ việc này, chúng tôi đã liên hệ với chính phủ Israel để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những gì đã xảy ra, kêu gọi họ tiến hành một cuộc điều tra toàn diện.”
Hàng loạt quốc gia như Canada, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất…cũng lên án Israel, đồng thời yêu cầu điều tra vụ tấn công gây nhiều thương vong đêm 26/5 ở Rafah.
Nguồn: vov.vn