Tuesday, November 26, 2024

Doanh nghiệp ngoại bắt đầu gia nhập thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu tham gia thị trường trung tâm dữ liệu đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước thống trị như: FPT Telecom, CMC Telecom, VNPT, Viettel IDC, với sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu dịch vụ đám mây và phân tích dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp quốc tế cũng bắt đầu tham gia thị trường tiềm năng này. Lúc này các doanh nghiệp trong nước đứng trước câu hỏi: Cần làm gì để vừa tăng khả năng cạnh tranh, vừa phát triển nhanh, vừa quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ?

Tại TP Hồ Chí Minh, có thể kể đến một số dự án đáng chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài như trung tâm công suất 20 MW của Gaw Capital (Hong Kong – Trung Quốc) tại Khu công nghệ cao TP Hồ CHí Minh. NTT (Nhật Bản) và QD Tek (Việt Nam) cùng hợp tác mở một trung tâm dữ liệu trị giá 70 triệu USD. Và mới đây, Alibaba cũng công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực này có mặt tại Việt Nam với sự vận hành chuyên nghiệp là chìa khóa giúp doanh nghiệp trong nước tự tin tiếp tục đầu tư vào thị trường tiềm năng này.

Ông Đinh Tuấn Trung – Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom – cho biết: “Xây một trung tâm dữ liệu cần nguồn lực tài chính, tiêu chuẩn… Chúng ta có thể xây được trong vài năm nhưng vận hành là cả một quá trình, vì lúc xây thì khách hàng chưa đặt, xây xong rồi thì họ sẽ đặt toàn bộ dữ liệu của họ vào đây. Vậy thì làm thế nào để toàn bộ hệ thống dữ liệu được đảm bảo chạy liên tục, dữ liệu không bị mất kết nối?”.

Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo An ninh mạng Athena – cho rằng: “Trung tâm dữ liệu không chỉ là nơi lưu trữ không mà còn là nơi xử lý dữ liệu. Giá trị gia tăng là vấn đề xử lý dữ liệu”.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Việt Nam cần giải quyết các thách thức về an ninh mạng, tiêu thụ tài nguyên bền vững để thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư lĩnh vực này trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh – cho biết: “Phải có sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và TP Hồ Chí Minh để đưa ra những chính sách cho phù hợp. Những quy định bảo mật và quản lý dữ liệu cũng phải xem xét để làm sao đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh dữ liệu trong nước nhưng ko gây quá nhiều cản trở đối với doanh nghiệp”.

Một số doanh nghiệp cũng đề xuất thành phố bổ sung chính sách, quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp viễn thông khi phát triển hạ tầng số, kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, ưu đãi về thuế, giá thuê đất, giá điện…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img