Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, nạn nhân bị xâm hại tình dục phải mất khoảng 10 năm để có thể trở lại bình thường nếu được thăm khám và điều trị kịp thời bởi chuyên gia và bác sĩ. Nếu không, các sang chấn tâm lý sẽ đi theo các em cả đời.
“Trong suốt 15 năm làm luật sư bảo vệ trẻ em, tôi chứng kiến rất nhiều vụ việc ám ảnh về xâm hại tình dục”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chia sẻ với Thanh Niên.
Vụ hiếp dâm đầu tiên mà luật sư Nữ tiếp nhận là vào năm 2015, nạn nhân rất tội nghiệp, khi em chỉ mới 5 tuổi. Em sống cùng mẹ và chị gái trong một dãy nhà trọ ở Q.Tân Phú, TP.HCM. Thấy em ở nhà một mình, mẹ bán hàng tạp hóa phía trước (cách 6 m), nhiều lúc trời nóng quá, em chỉ mặc đồ lót… nên T. (lái xe ôm sống gần đó) bắt đầu để ý, theo dõi. Khi mẹ của nạn nhân đi lấy hàng, T. đã canh giờ nhằm thực hiện hành vi xâm hại.
Quá trình tố cáo vụ việc và giai đoạn điều tra gặp nhiều khó khăn vì camera trong phòng trọ không có, chứng cứ yếu… Tuy nhiên, khi trích xuất camera của nhà đối diện, hình ảnh ghi lại cho thấy đối tượng đi bộ vào phòng trọ nơi cháu bé ở, song T. vẫn một mực phủ nhận hành vi của mình.
Sau khi gửi mẫu đi giám định, kết luận có tế bào của T. hiện diện trong cơ thể cháu bé, cơ quan điều tra đã khởi tố T. tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, đau lòng hơn, khi vụ án này xảy ra, cơ quan chức năng còn phát hiện có 1 tế bào tinh trùng bí ẩn trong cơ thể nạn nhân, do không xác định được của ai nên cơ quan điều tra buộc khép lại vụ án.
Một trường hợp đau lòng khác, xảy ra cách đây 3 năm vào thời điểm dịch Covid-19. Nạn nhân đang học lớp 6, bị chính chú ruột của mình là Lê Phước Vẹn (sinh năm 1993) xâm hại.
Cụ thể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có 2 chị em, bố mẹ đều làm công nhân nên gửi một bé về sống cùng bà ngoại ở huyện Cần Giờ, TP.HCM. Dịch bệnh, được nghỉ học nên em được bố mẹ đón về nhà, thời gian đó người chú đã thực hiện hành vi đồi bại với nạn nhân 4 lần song hù dọa “nếu nói ra sẽ giết chết”.
Bốn tháng sau, trong lúc học thể dục ở trường, em bị ngất xỉu nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Lúc này, bác sĩ cho biết em đã mang thai 29 tuần. Kể với bà ngoại, nạn nhân cho biết bị chú ruột hiếp dâm nhiều lần. Từ đó, bà ngoại bé đã làm đơn tố cáo.
Xét xử sơ thẩm hồi tháng 3.2022, Lê Phước Vẹn bị TAND TP.HCM tuyên phạt mức án 16 năm tù về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Tương tự, 6 năm trước, một vụ án xảy ra tại Tiền Giang. Hoàn cảnh của nạn nhân rất thương tâm, bố mẹ mất sớm, nên gửi em cho bà ngoại. Tuy nhiên, bà ngoại già cả, kinh tế chật vật nên quyết định gửi em cho cậu ruột. Theo điều tra, em bị chính cậu ruột xâm hại từ lúc 9 tuổi đến 12 tuổi, chỉ đến khi phát hiện có thai, vụ án mới được phanh phui.
3 nguyên tắc vàng phòng ngừa xâm hại tình dục
Lần giở cuốn sổ ghi lại các báo cáo về xâm hại tình dục trong những năm qua, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), năm 2023, TP.HCM xảy ra 186 vụ với 196 nạn nhân (57 nam, 139 nữ). Trong đó, có 155 vụ xâm hại tình dục và 16 vụ liên quan đến bạo lực, bạo hành.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, TP.HCM xảy ra 45 vụ với 46 nạn nhân (4 nam, 42 nữ). Trong đó, nhóm các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (40 vụ). Luật sư Nữ cho rằng, mặc dù số liệu giảm đáng kể so với năm 2022; song, bà cảnh báo về nguy cơ xâm hại trẻ em ngày càng tăng.
Theo luật sư Nữ, vai trò của truyền thông hay phụ huynh rất quan trọng nhưng chỉ là một phần, điều quan trọng nhất là chính các em phải biết tự biết bảo vệ mình.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu 3 nguyên tắc vàng được đúc rút ra trong quá trình bảo vệ trẻ em, đó là: Cơ thể các em là của các em; khi gặp người lạ, người quen phải tránh xa 1 m và nếu bị xâm hại ở những nơi vắng vẻ thì hãy la hét lên.
“Cái này có 2 hiệu ứng, nếu tôi tuyên truyền cho các em về thì ba của các em sẽ không được gần các em nữa. Ví dụ, trước đây ba phải tắm cho em vì mẹ đi công tác cả tuần, nhưng bây giờ các em không cho, bởi các em ý thức được việc tự bảo vệ, ý thức được cơ thể mình là của mình”, bà Nữ nêu dẫn chứng và cho biết đường dây nóng của Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM liên tục đổ chuông bởi “có người gọi đến cảm ơn tôi vì phòng bệnh hơn chữa bệnh và cũng có người trách mắng tôi vì họ không được gần con sau khi các cháu nghe tôi tuyên truyền”.
“Tôi đã giải thích với phụ huynh, khi con gái các anh đến tuổi dậy thì, anh ôm được thì cháu cũng nghĩ rằng người khác ôm được. Nó nghĩ cha ôm được thì chú, bác cũng ôm được… Luật trẻ em có 3 cấp độ gồm: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp. Tôi đã giúp anh phòng ngừa, có thể mất lòng trước, anh chửi tôi nhưng mà được lòng sau là con anh an toàn”, bà Nữ nói thêm.
Luật sư Nữ cho hay, trong hơn một thập kỷ qua, số chương trình tuyên truyền về xâm hại tình dục trẻ em mà bà đã làm là “không thể đếm hết”. Khi học sinh đi học, bà tuyên truyền cho các em bằng những phiên tòa giả định. Khi học sinh nghỉ hè, bà đi tuyên truyền ở khu dân cư để các em biết cách bảo vệ mình, để phụ huynh biết con mình không ai được đụng tới, kể cả người thân hay bạn bè, hàng xóm… Nhiều hàng xóm nói “tôi coi nó như cháu ruột, em ruột” rồi cho chở đi học, đi chơi, cuối cùng xảy ra những sự việc không đáng có…
Cũng theo luật sư Nữ, sau khi bị những cú sốc giáng xuống, các nạn nhân phải mất khoảng 10 năm để có thể trở lại bình thường nếu được thăm khám và điều trị tâm lý kịp thời bởi chuyên gia và bác sĩ tâm lý. Nếu không, các sang chấn tâm lý sẽ đi theo các em cả đời.
Trăn trở và giải pháp
Có 18 năm hành nghề, luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết mặc dù hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe, giáo dục… nhưng vẫn có xu hướng gia tăng và phức tạp.
“Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em mà tôi tham gia chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn rất nhiều vụ xâm hại chưa được xử lý triệt để”, luật sư Liên nói và cho biết số vụ việc bị khởi tố, truy tố, xét xử trên thực tế vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau như: gia đình không phát hiện kịp thời; nhận thức của trẻ em còn hạn chế; nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện nhưng các bên lại thương lượng, hòa giải trái pháp luật khiến vụ việc “chìm xuồng” hoặc có những người phát hiện vụ việc nhưng không tố giác hành vi phạm tội…
Luật sư Bích Liên cho rằng, chính những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đang khiến những vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng. Nếu xảy ra sự việc, cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, bởi đối với các vụ dâm ô không để lại dấu vết, hoặc gia đình nạn nhân phát hiện muộn… rất khó để thu thập chứng cứ.
Để ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em, theo luật sư Bích Liên, rất cần sự quan tâm của xã hội. Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của nhà trường, gia đình trong việc bảo vệ trẻ em, phải có biện pháp quản lý, giám sát trẻ em phù hợp để ngăn chặn các nguy cơ; đồng thời, giáo dục cho trẻ biết cách nhận diện và tự vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Ngoài ra, khi vụ việc xảy ra, nhà trường, gia đình cần tích cực phối hợp với cơ quan công an để thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp ngăn chặn và đấu tranh nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Liên quan hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:
Cụ thể, đối với hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi, theo Điều 142 bộ luật Hình sự:
Người nào thực hiện một trong các hành vi như dùng vũ lực, đe dọa, lợi dụng tình trạng không tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì bị phạt tù từ 7 – 15 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân, phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 12 – 20 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức; nhiều người hiếp một người; phạm tội đối với người dưới 10 tuổi; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.
Đối với hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, căn cứ theo Điều 146 bộ luật Hình sự:
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; đối với 2 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7 – 12 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Nguồn: thanhnien.vn