Các doanh nghiệp cần cân đối, tiết giảm đầu vào để cân bằng yếu tố chi phí, đồng thời tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng chế biến để có giá bán cao hơn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 5 ước đạt 870 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, trong khi xuất khẩu cá tra, mực, bạch tuộc tăng nhẹ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ tăng 36% đạt trên 95 triệu USD. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 18%, cá ngừ đóng túi tăng đột phá gấp hơn 3,5 lần, cá ngừ loin/phile đông lạnh tăng 25% và cá ngừ nguyên con đông lạnh tăng gấp hơn 7 lần so với tháng 5/2023. Lũy kế tới hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ phân tích, bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh hơn qua từng tháng. Sau khi phải đối mặt với lạm phát và lãi suất cao kỷ lục, người tiêu dùng ở nhiều nơi có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn. Do đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ như cá ngừ đóng hộp tăng lên.
“Hiện các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã tiếp cận được hơn 65 thị trường. Trong đó, Mỹ, EU và Israel là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất. Riêng khu vực EU thì Đức, Ba Lan và Hà Lan là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Việc được hưởng ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang khối thị trường này trong những tháng đầu năm. Ngoài Israel ra, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang các nước Trung Đông khác như Libăng, Ai Cập cũng đang có mức tăng trưởng cao”, bà Lê Hà thông tin.
Ngoài cá ngừ, xuất khẩu cua, ghẹ trong tháng 5 cũng có sự bứt phá mạnh mẽ với mức tăng gần 92%, đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam. Tong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cua sống lớn nhất của Việt Nam, có mức nhập khẩu tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thành phẩm cua tuyết như thịt cua tuyết, cua tuyết tách vỏ, càng cua tuyết và một phần nhỏ là cua đồng xay…
Cùng xu hướng, xuất khẩu cá tra tháng 5 có chuyển biến tích cực, tăng 10%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra mang về gần 755 triệu USD, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu, mực bạch tuộc đều tăng 3% trong tháng 5 nhưng tính chung 5 tháng giảm gần 2% so với cùng kỳ, đạt 236 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu cá biển 5 tháng đầu năm đạt 742 triệu USD. Trái ngược với cá tra, xuất khẩu tôm tháng 5 giảm 1,5% đạt 326 triệu USD. Tuy nhiên lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 7% đạt 1,3 tỷ USD.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep thông tin, dù chưa có bứt phá mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn của Việt Nam đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Theo đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc đều tăng trưởng dương trong tháng 5 với mức tăng 5-26%.
Tính tới cuối tháng 5, xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD; xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU chỉ tăng trưởng khiêm tốn 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023
Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5 giảm 8% so với cùng kỳ. Theo bà Lê Hằng, kinh tế Trung Quốc đang chững lại khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu. Các nhà nhập khẩu buộc phải tập trung vào các mặt hàng giá rẻ hơn, do đó, xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao sẽ có khó khăn, ngược lại nhờ đó cá tra ngày càng có chỗ đứng trên thị trường này.
Cá tra được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, nhất là những gia đình nấu ăn tại nhà do giá rẻ hơn hẳn so với các loài cá nội địa của Trung Quốc như cá chép, cá rô phi, cá quả… Cá tra cũng được nhiều bà mẹ Trung Quốc tin tưởng đưa vào thực đơn dành cho trẻ em, hứa hẹn sẽ tạo đà cho xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.
Mặc dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ một số thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ hay Nhật Bản…nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, trong khi đó hàng loạt các yếu tố đầu vào cho sản xuất đều tăng.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, với những tình hình chi phí tăng cao như hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, vật tư, vật liệu của ngành thuỷ sản. Điều này đi ngược với xu hướng của thị trường là đưa giá thấp hơn do thắt chặt chi tiêu.
Do đó, theo ông Hoè các doanh nghiệp cần cân đối, tiết giảm đầu vào để cân bằng yếu tố chi phí. Bên cạnh đó, ba thị trường quan trọng là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản chiếm tỷ lệ khoảng 16% mỗi thị trường, hiện đang ổn định. Các doanh nghiệp nên tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng, có hàm lượng chế biến để có giá bán cao hơn, cân bằng vấn đề chi phí trong cơn biến động tình hình chung.
Đặc biệt với vấn đề biến động tỷ giá trên thị trường thế giới, ông Hoè cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp ứng phó để ngành thuỷ sản Việt Nam trụ vững và sẵn sàng với chu kỳ tăng trưởng trở lại.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn