Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 5/2024, lượng vốn đầu tư FDI điều chỉnh tăng thêm lớn nhất trong các tháng đầu năm 2024 với hơn 800 triệu USD.
Cụ thể, lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm trong tháng 5/2024 gấp 2,8 lần tháng 4/2024, tăng 72% so với tháng 3/2024, gấp 4,1 lần tháng 2/2024 và gấp hơn 3,6 lần tháng 1/2024.
Tín hiệu tích cực cũng được ghi nhận ở vốn đăng ký cấp mới với 1.227 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ).
Đáng chú ý, vốn thực hiện các dự FDI trong 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực với mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương khoảng 8,25 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn bất chấp những khó khăn hiện hữu.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; là điểm đến đáng đầu tư nhất trong thời gian tới. Niềm tin và sự lạc quan của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng cũng có thể thấy rõ trong khảo sát nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước mới đây. Chẳng hạn, khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đạt 52,8. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2022 và là một dấu hiệu rõ ràng về niềm tin ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Ông Dominik Meichle – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam có nguồn nhân lực tốt là cơ sở để hướng đến sản xuất công nghệ cao như chip bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng đang có những bước chuẩn bị rất tốt cho sự chuyển dịch này”.
“Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và áp lực biến đổi khí hậu toàn cầu”, ông Lim Dyi Chang – Giám đốc cấp cao khối ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Thành phố Hải Phòng đã đa dạng, linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, chú trọng cải cách hành chính và triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương năm 2024”.
“Dòng vốn FDI được nhìn nhận như là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế của thành phố”, ông Kiên nhấn mạnh. Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố Hải Phòng ước đạt 647 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, đăng ký cấp mới 29 dự án với tổng số vốn đạt 247 triệu USD; 19 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 400 triệu USD.
Theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, mặc dù, thu hút FDI đang cho thấy, những tín hiệu tích cực, nhưng trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh rất mạnh để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút được đầu tư từ các tập đoàn lớn, đòi hỏi Việt Nam phải rất tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch EuroCham, Dominik Meichle cho rằng, Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn và việc giải quyết các thách thức pháp lý là “chìa khóa” để hiện thực hóa tiềm năng đó một cách trọn vẹn. “Việc đơn giản hóa thủ tục và thiết lập các quy định minh bạch hơn sẽ giúp cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài thành công.
“Cùng với đó, những nỗ lực liên tục nhằm nâng cao sự ổn định và khả năng dự đoán sẽ tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam và phát huy hết tiềm năng của mình. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong nước, thu hút vốn quốc tế và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế”, Chủ tịch EuroCham cho hay.
Là một trong những địa phương có số dự án đầu tư FDI vào tỉnh cao, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ “đi tắt, đón đầu” các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng danh mục nhà đầu tư chiến lược cần tập trung xúc tiến đầu tư trước mắt và trung hạn theo các định hướng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực ô tô, xe máy, máy tính, bán dẫn, thiết bị và linh kiện điện tử, điện thoại, pin điện công suất cao, dược phẩm và trang thiết bị y tế.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương luôn cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vốn FDI tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại đạt hiệu quả tại Bình Dương”.
“Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp các hệ thống khu công nghiệp tập trung nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất công nghiệp thông minh, đáp ứng ngày càng cao của nhà đầu tư. Qua đó, hy vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế để góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh những giải pháp từ phía địa phương, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có đủ năng lực, điều kiện, công nghệ, năng lực quản lý để hợp tác với doanh nghiệp FDI trong việc làm phụ trợ, hoặc tham gia chuỗi cung ứng của họ.
“Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp Việt Nam phải tự trưởng thành để bắt tay với doanh nghiệp FDI. Đồng thời, cần có những chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp nội liên kết cùng với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.
Nguồn: vtv.vn