Wednesday, November 27, 2024

Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ



Sáng 18/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đồng chủ trì Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ.

Tham dự phía điểm cầu Quốc hội Việt Nam có: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng; các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực này.

Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: ST

Tại Hội thảo, sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào- đại diện Ban phụ trách chỉnh sửa nội dung Luật trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các đại biểu từ điểm cầu Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và trả lời, cung cấp thông tin liên quan đến những câu hỏi phía bạn quan tâm.

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ của Việt Nam, Ủy ban đã kiến nghị chỉnh sửa nhiều nội dung cụ thể và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật của Chính phủ đã đồng thuận tiếp thu, chỉnh sửa như: Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về ưu tiên đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ; Ưu tiên hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đề nghị quy định rõ thẩm quyền quản lý, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng, quản lý kế hoạch, triển khai dự án liên quan tới đo đạc và bản đồ chuyên ngành nhằm hạn chế tình trạng hoạt động đo đạc và bản đồ chưa thống nhất, chồng chéo, lãng phí; quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ phân tán, không đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung…

Về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy đây là công cụ trợ giúp trực tiếp vào việc xây dựng chính phủ điện tử và cải cách hành chính, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… mà chưa được chưa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đề nghị làm rõ thêm về khái niệm, nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật Đo đạc và bản đồ cơ bản đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quản lý và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ; khắc phục những chồng chéo, lãng phí trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ ngành và phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; tăng cường việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; khuyến khích hiện đại hóa trong hoạt động đo đạc và bản đồ; có cơ chế thúc đẩy chính sách xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ… Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi góp phần nâng cao vai trò của hoạt động đo đạc và bản đồ trong phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn…
Cũng tham gia thảo luận tại Hội thảo, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngay sau khi Luật Đo đạc và bản đồ được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 12/4/2019. Đồng thời Bộ đã ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BTNMT ngày 26/8/2019 Kế hoạch thi hành Luật Đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, để triển khai thực thi Luật có hiệu quả, cần ban hành văn bản hướng dẫn; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ; Tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ; Làm tốt công tác cấp chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; Triển khai cụ thể các nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ…

Trân trọng cảm ơn những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu phía Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào đánh giá những chia sẻ hữu ích này có giá trị rất lớn cho việc hoàn thiện Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trên cơ sở những ý kiến góp ý về chính sách nhà nước đối với đo đạc và bản đồ, hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, các điều khoản chi tiết cũng như kỹ thuật văn bản, Ban phụ trách chỉnh sửa nội dung Dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, đảm bảo Luật ban hành sẽ có tính khả thi cao phù hợp với thực tiễn của quốc gia.

Nhấn mạnh Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào mong muốn trong thời gian tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân hai nước tiếp tục có các cuộc làm việc, trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt – Lào./.

 

 

 

Hãy cài đặt PC-Covid, 1 ứng dụng duy nhất sử dụng trong giai đoạn bình thường mới, thuận tiện hơn trong việc khai báo và di chuyển. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2:Khi ứng dụng đã được tải về và cài đặt thành công, bạn hãy truy cập vào ứng dụng trên điện thoại.

Bước 3:Tiếp theo, màn hình giới thiệu sẽ hiện lên và hiển thị toàn bộ thông tin về các đơn vị chủ trì, vận hành và phát triển. Sau khi xem xong, bạn chọn Tiếp tục.
Bước 4: Tại mục thông tin, bạn hãy điền số điện thoại để đăng ký hoặc đăng nhập vào ứng dụng. Sau đó, bạn hãy đọc điều khoản sử dụng và chọn vào ô xác nhận khi đã đọc xong Tiếp tục.
Sau khi đã đăng nhập thành công vào ứng dụng, Bạn sẽ thấy các thông tin cơ bản của mình hiện lên như họ tên, giới tính, năm sinh, thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm Covid-19. Nếu không thấy những dữ liệu này, bạn bấm vào nút đồng bộ trạng thái để cập nhật và hiển thị thông tin của mình.



PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img