Trận đấu kịch tính gặp Philippines đã cho HLV Kim Sang-sik cái nhìn toàn cảnh về hạn chế của đội tuyển VN hiện tại.
Tính cả giai đoạn cuối thời HLV Troussier, đội tuyển VN để lọt lưới tới 17 bàn trong 8 trận, với lần gần nhất giữ sạch lưới đã diễn ra từ… 8 tháng trước (trong chiến thắng 2-0 trước Philippines). Hàng thủ “thép” mà HLV Park Hang-seo xây dựng đã không còn khi nhiều trụ cột sa sút (Duy Mạnh, Tiến Dũng), chấn thương (Ngọc Hải) hoặc bị treo giò (Việt Anh).
Ở trận gặp Iraq, HLV Kim Sang-sik sẽ có sự trở lại của Việt Anh, một trung vệ thuần túy, biết chỉ huy hàng thủ. Tuy nhiên, thay đổi con người chỉ là điều kiện cần. Trong vài ngày huấn luyện ngắn ngủi, việc cải thiện trình độ và phong độ cho cầu thủ gần như là không thể. Đó là cái khó chung ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Ông Kim chỉ có thể xây dựng đấu pháp theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” .
Bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy nhận định: “Trong 3 mắt xích ở hàng thủ, có đến 2 cầu thủ là Duy Mạnh và Tiến Dũng không có phong độ cao, còn Đức Chiến lại quá mới mẻ ở vị trí trung vệ. Các hậu vệ của đội tuyển cũng chơi chưa tốt ở V-League, nên khi lắp ghép hàng thủ khó tránh loạng choạng. Ngoài ra, tôi đánh giá dưới thời ông Kim, 3 trung vệ VN có xu hướng đá rất gần nhau, nên khi gặp đội chơi phản công sẽ dễ mất phương hướng do các cầu thủ ở sát nhau quá, khó tách ra để kiềm tỏa đối thủ và bọc lót cho nhau. Đây là khác biệt so với thời ông Park, khi 3 trung vệ đá xa nhau hơn, với quy ước dàn hàng ngang với chiều rộng bằng vòng cấm địa”.
TÍNH TOÁN CỦA HLV KIM SANG-SIK
Đội tuyển Iraq hiển nhiên rất mạnh. Họ đã thắng 6 trong 7 trận gần nhất, ghi 14 bàn sau 5 trận ở vòng loại World Cup 2026. Nếu tiếp tục khởi đầu chậm như trong cuộc so tài với Philippines, đội tuyển VN sẽ khó có cơ hội sửa sai khi gặp đội tuyển Iraq. Đội bóng của HLV Jesus Casas không chỉ có lực lượng rất mạnh với 6 tuyển thủ đang chơi ở châu Âu, mà còn có lối đá toàn diện. Iraq tấn công nhuyễn ở biên lẫn trung lộ, không chỉ có những “mũi khoan” như Ali Jasim, Osama Rashid, Amir Al-Ammari, mà còn có bộ đôi tiền đạo từng nhiều lần phá lưới đội tuyển VN là Aymen Hussein và Mohanad Ali. Với những cầu thủ nhanh, khéo và khỏe bậc nhất châu Á, đội tuyển Iraq sẽ mang đến thách thức cực lớn cho các hậu vệ VN, đặc biệt trong những tình huống tranh chấp tay đôi. 4 trận gần nhất gặp Iraq, đội tuyển VN thủng lưới 8 lần. Đây là thống kê mà HLV Kim Sang-sik sẽ phải lưu ý.
Dù vậy, có thể thấy trong trận gặp Philippines, HLV Kim Sang-sik đã cho học trò được tự do đẩy cao vây bắt đối thủ, gây áp lực nhằm ghi bàn. Khi hàng công dâng cao, hàng thủ cũng phải đẩy lên để thu hẹp cự ly đội hình, dẫn đến Philippines có nhiều khoảng trống. Song ở trận gặp Iraq, nếu đội tuyển VN xác định tư tưởng phòng ngự, các hậu vệ được bám vòng cấm nhiều hơn thay vì dâng cao dẫn đến hở sườn, “chất thép” có thể trở lại.
BLV Quang Huy đánh giá: “Tôi cho rằng ở hàng thủ VN lúc này, cầu thủ đá trung vệ rất quan trọng. Đơn cử như nếu có Quế Ngọc Hải, đội tuyển VN đã phòng ngự rất khác. Hy vọng khi trung vệ Việt Anh trở lại, hàng thủ sẽ chắc chắn hơn. Hoặc nếu Đức Chiến tiếp tục được đá thì cậu ấy sẽ tiến bộ và thấu hiểu đồng đội hơn. Đội tuyển Iraq mạnh hơn, nhưng cũng vì vậy mà đội tuyển VN có thể trở về thế trận phòng ngự quen thuộc. Trận ra quân luôn khó khăn bởi cầu thủ chưa hiểu triết lý HLV, nhưng trận tới sẽ khác. Chúng ta đã quen đá kiểu “cửa dưới”, có kinh nghiệm gặp những đội mạnh hàng đầu châu lục và không lạ lẫm với những thế trận kiểu chịu đựng. Đá kiểu phòng ngự phản công, đôi khi đội tuyển VN lại thoải mái, tập trung hơn”.
Sau 12 giờ di chuyển, đội tuyển VN đã có mặt ở TP.Basra (Iraq) lúc 10 giờ (giờ địa phương, khoảng 14 giờ VN) ngày 8.6. Các cầu thủ VN sẽ ở tại khách sạn Grand Millennium Al Seef Basra tiêu chuẩn 5 sao. BTC nước chủ nhà bố trí sân tập nằm sát sân vận động quốc tế Basra, cách khách sạn Grand Millennium 20 km, mất khoảng 30 phút di chuyển bằng xe buýt. Sân Basra là sân bóng lớn nhất Iraq, là nơi diễn ra trận đội tuyển Iraq gặp VN ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 vào ngày 12.6.
Nguồn: thanhnien.vn