Starbucks Việt Nam vừa mở rộng chính sách từ chối thanh toán tiền mặt ra nhiều quán ở TP. HCM. Một bước đi “một công đôi việc” của ông lớn cà phê này.
Từ cuối tháng 12 năm 2023 vừa rồi, Starbucks đã bắt đầu thử nghiệm hình thức “thanh toán không tiền mặt” ở một số cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
Sau thời gian thử nghiệm, chuỗi cà phê này tiếp tục mở rộng, áp dụng phương thức thanh toán này tại nhiều điểm bán ở nhiều quận tại TPHCM, như Starbucks Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Starbucks E-Town (Q.Tân Bình), Starbucks Cobi (Q.7), Mansion, Gateway, Vinhomes Origami, Sun Avenue, v.v..
Khách hàng khi thanh toán tại cửa hàng có thể sử dụng đa dạng các hình thức thanh toán không tiền mặt như bằng thẻ Starbucks Rewards, ví điện tử như MoMo, ZaloPay hay thẻ ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân sự chuyển đổi này, trên trang trên trang fanpage chính thức của Starbucks Việt Nam viết: “Starbucks áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhằm mang đến trải nghiệm nhanh chóng, tiện lợi hơn cho khách hàng”.
Theo một nhân viên bán hàng của Starbucks thì “đa phần khách hàng đều rất vui vẻ, hài lòng và không gặp khó khăn ở bước thanh toán. Chúng tôi cũng thảnh thơi hơn khi không phải trả lộn tiền cho khách, kiểm đếm tiền”.
Một khách “ruột” của Starbucks cho biết, việc thanh toán không tiền mặt vừa nhanh chóng, tiện lợi lại nhiều ưu đãi từ ví điện tử, ngân hàng và thương hiệu đồ uống. “Ví như khi uống tại Starbucks, nếu thanh toán không tiền mặt ngoài có mã giảm giá mình còn được Starbucks tích điểm, giảm giá tính ra cũng tiết kiệm được kha khá”, khách hàng này nói.
Ngoài việc mang lại sự tiện lợi cho nhân viên và khách hàng như kể trên, việc Starbucks ra chính sách từ chối thanh toán tiền mặt có vẻ còn nhằm một mục đích nữa: “thúc” khách hàng dùng và nạp tiền vào ứng dụng Starbucks Rewards.
Starbucks Rewards là một “vũ khí” giữ chân khách hàng rất lợi hại của Starbucks. Người dùng nạp tiền vào và có thể mua hàng Starbucks, tích điểm qua ứng dụng này.
Và có thể nhiều người không biết, với ứng dụng này, Starbucks hoạt động như một công ty công nghệ tài chính lớn hàng đầu thế giới.
Năm 2001, Starbucks ra mắt Thẻ Starbucks (Starbucks Card). Thẻ này hoạt động giống như một tấm thẻ ngân hàng, khách hàng bỏ tiền vào thẻ và dùng thẻ này mua đồ uống tại các cửa hàng. Starbucks Card nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dùng.
Đến năm 2009, Starbuck Card chuyển thành Starbucks Rewards. Ứng dụng tương ứng cho phép khách hàng theo dõi số dư, nạp tiền vào thẻ và theo dõi giao dịch. Và sau đó, ứng dụng này hoạt động như một ví điện tử.
Ở Mỹ, Starbucks đã thâm nhập vào lĩnh vực thanh toán di động bằng việc hợp tác với Square. Với thương vụ này, Starbucks cho phép khách hàng tìm hiểu các cửa hàng trong khu vực, xem chi tiết thực đơn, kiểm tra giờ mở cửa và xem lịch sử giao dịch, tất cả đều thông qua điện thoại.
Tiếp đó, họ chọn Chase Commerce Solutions (thuộc J.P. Morgan) là công cụ xử lý thanh toán, mở đường cho việc triển khai trên toàn quốc trong bối cảnh thanh toán kỹ thuật số dần trở nên phổ biến.
Không chỉ vậy, Starbucks còn liên kết với Amazon giới thiệu chương trình “Starbucks Pickup with Amazon Go”. Theo đó, khách hàng có thể mua Starbucks tại các cửa hàng Amazon Go và thanh toán trước trên app Starbucks, không cần xếp hàng thanh toán tại quầy thu ngân.
Không dừng lại ở Mỹ, Starbucks còn muốn khách hàng toàn cầu cũng được trải nghiệm sự tiện lợi của việc đa dạng hóa phương thức thanh toán.
Chẳng hạn ở Anh, Starbucks hợp tác với Barclaycard để cung cấp dịch vụ thanh toán không chạm, trở thành một trong những công ty bán lẻ đường phố áp dụng công nghệ này sớm nhất.
Hoặc ở Nhật, Starbucks ra mắt Starbucks Touch: The Pen. Đây là một dụng cụ độc đáo, tích hợp ví NFC để thanh toán dễ dàng.
Ở Ả Rập và UAE, Starbucks hợp tác với Visa để thúc đẩy việc sử dụng Apple Pay. Khách hàng là chủ thẻ Visa khi thanh toán qua Apple Pay sẽ được nâng cấp đồ uống hoặc đổi size lớn hơn.
Tại khu vực Đông Nam Á, Starbucks thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Grab. Đặc biệt ở Việt Nam, chuỗi cà phê này hợp tác với ví điện tử MoMo.
Quay lại với việc từ chối thanh toán tiền mặt của Starbucks Việt Nam. Với chính sách này, người dùng chỉ có thể dùng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, một số ví điện tử hoặc dùng Starbucks Rewards. Vậy là có một tập khách hàng mà trước đây vẫn dùng tiền mặt thì nay sẽ trở thành người dùng tiềm năng của Starbucks Rewards. Nếu là người hay uống cà phê thì nạp tiền vào và sử dụng Starbucks Rewards nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu.
NHƯ VẬY LÀ
Vừa mang lại sự tiện lợi cho nhân viên, vừa thúc đẩy khách nạp tiền và sử dụng ứng dụng, chính sách này của Starbucks Việt Nam “một mũi tên” mà “trúng được 2 đích”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn