Ngày 13.6, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 31 (mở rộng) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, 6 tháng đầu năm, các ngành sản xuất công nghiệp trọng yếu tiếp tục phục hồi, du lịch khởi sắc, thu ngân sách tăng trưởng khá và duy trì ổn định… Tuy nhiên, một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng chưa đạt như tăng trưởng GRDP ước chỉ đạt 6,4% dù mục tiêu đề ra từ 7,5 – 8%, tăng trưởng tín dụng thấp, giải ngân đầu tư công chưa cao…
Đối với Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, sau khi tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, bản quy hoạch sẽ được trình HĐND TP.HCM và Thủ tướng.
Về định hướng tổ chức không gian đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ nay đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP.Thủ Đức. Giai đoạn 2030 – 2040, TP.HCM tổ chức các vùng đô thị gồm đô thị trung tâm, TP.Thủ Đức và các thành phố phía nam, tây nam, tây bắc, riêng H.Cần Giờ sẽ tính toán vào thành phố phía nam hoặc một đô thị đặc biệt.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 6 tuyến/đoạn tuyến metro với chiều dài 183 km, tổng kinh phí hơn 871.000 tỉ đồng (hơn 36 tỉ USD). Để đạt mục tiêu này, TP.HCM đề xuất 28 cơ chế thuộc 6 nhóm về: quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; huy động nguồn vốn… Dự kiến, 3 đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, phát triển đường sắt đô thị và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được trình Bộ Chính trị và Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm 2024.
Nguồn: thanhnien.vn