Chủ quán phở Hương Bình (Q.3, TP.HCM) cho biết chính sự công nhận của Michelin đã vực dậy quán ăn có từ thời bà nội, mở từ năm 1958 ở Sài Gòn.
Là thế hệ thứ 3 kế thừa quán phở gia đình, chị Trần Thị Phúc Thịnh, chủ quán chia sẻ lý do luôn đứng ở quầy làm món từ sáng tới tối mà không để bất kỳ ai thay thế.
“Michelin vực dậy quán phở nhà tôi!”
Theo đó, quán phở của gia đình chị Thịnh năm thứ 2 được Michelin Guide gọi tên trong hạng mục Bib Gourmand, kèm theo lời nhận xét:
“Quán ăn giản đơn này đã tự hào phục vụ món phở truyền thống của Việt Nam, kể từ năm 1958. Thực đơn chỉ có 2 món gồm phở gà và phở bò. Bạn có thể thoải mái gọi thêm các thành phần như da gà, lòng đỏ trứng, ức bò và gân bò. Nước lèo trong, đậm đà và có vị ngọt hài hòa”.
Buổi sáng cuối tuần, chúng tôi ghé quán phở nói trên, nằm ở mặt tiền đắc địa trên đường Võ Thị Sáu (Q.3). Chị Thịnh hối hả, tất bật làm món cho khách liên tục đến quán thưởng thức.
Tâm sự với PV, chị chủ cho biết kể từ khi nhận được sự công nhận của Michelin vào năm ngoái, việc buôn bán của quán trở nên thuận lợi hơn, quán đón nhiều khách hơn, đặc biệt là khách nước ngoài.
“Bình thường, quán tôi chỉ đông vào thời điểm cuối tuần, nhưng 1 năm qua, hầu như các ngày trong tuần vẫn đều đặn khách ghé. Nhờ có Michelin, không chỉ khách mới mà nhiều khách cũ cũng tìm lại quán ủng hộ. Michelin đã vực dậy quán phở của gia đình tôi!”, chị Thịnh bày tỏ.
Sở dĩ chị nói vậy, bởi có một giai đoạn ngắn khi chị kế thừa quán từ mẹ mình, nhiều khách quen đã “quay lưng” với quán khi vị phở không còn giống ngày xưa. Từ nỗi băn khoăn đó, chị đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để tìm lại vị phở xưa của quán từ thời ông bà, bằng cách xem lại công thức và gia giảm nguyên liệu. Giờ đây, chị tự hào khi đã tìm lại được vị phở năm nào, được thực khách đánh giá cao.
Phở bò và phở gà nổi tiếng ở quán Hương Bình
CAO AN BIÊN
Theo lời chị chủ, quán phở được bà nội chị, cụ Đoàn Thị Rản (đã mất) mở vào năm 1958, khi thời điểm đó nhiều quán phở mọc lên san sát nhau ở con đường này. Gia đình chị vừa kinh doanh phụ tùng xe máy, xe đạp, vừa bán phở. Sau này, khi ông chị tuổi đã cao, họ tập trung hoàn toàn cho việc buôn bán quán ăn, khi được nhiều khách ủng hộ.
Đến nay, quán phở đã truyền tới đời thứ 3, từ đời của ông bà nội đến đời của cha mẹ chị, rồi đến đời của anh em chị. Là cô con gái duy nhất trong nhà có 4 anh em, chị Thịnh kế thừa quán phở của gia đình và dành nhiều tâm huyết cho quán ăn được ông bà, cha mẹ gây dựng nên.
Vì sao chị chủ luôn ở quầy làm món?
Trưa trưa, quán phở đón một đoàn khách đông đúc. Một người trong đoàn khách này cho biết đã ăn phở ở quán này hơn 20 năm nay. Vì thích hương vị phở ở quán, đặc biệt là nước lèo nên thường tới ăn cũng như rủ thêm người thân.
Trong khi đó, anh Quang Nhật (27 tuổi), tới quán ăn phở một mình thì nói rằng anh đến đây lần đầu tiên, khi vừa theo dõi danh sách của Michelin công bố. Tiện đường qua đây hôm nay, anh gọi một phần phở gà ăn thử.
“Thực sự món phở hợp khẩu vị với mình, thịt gà tươi ngon, giữ được độ ẩm, dai, mềm. Điều giá trị nhất trong tô phở là nước lèo hài hòa, vị thanh, độ ngọt vừa phải, hợp khẩu vị của mình. Sợi phở ở đây cũng lạ. Vì làm việc ở Q.3 nên mình sẽ thường ghé đây ăn”, vị khách bày tỏ.
[CLIP]: Quán “phở Michelin” ở TP.HCM mở từ năm 1958
Đến quán, nhiều người sẽ thấy chị chủ liên tục ở khu vực quầy, cạnh nồi nước lèo từ sáng tới tối muộn để làm món cho khách chứ không để nhân viên thay thế. Nói về điều này, chị Thịnh bày tỏ trước đây nhiều khách đến ăn nhận xét món phở giữa chị làm và những người phụ làm có vị không giống nhau.
“Kể từ đó, mình luôn là người đứng ở quầy làm món cho khách, mọi người phụ bưng bê, gọi món, làm rau… Khi mình làm món mới ra đúng vị phở mà khách quen mong muốn”, chị bày tỏ.
Từ năm 13 tuổi đã bắt đầu phụ gia đình trong công việc buôn bán, quán ăn với chị Thịnh là ký ức tuổi thơ đặc biệt. Mỗi ngày, chị vẫn miệt mài mang những phần phở tâm huyết, được truyền qua nhiều thế hệ gia đình đến với thực khách đến quán ủng hộ…
Nguồn: thanhnien.vn