Saturday, November 23, 2024

Nhà ven kênh rạch đã có lối ra

Những nút thắt lớn nhất đã được tháo cởi, việc đẩy nhanh chương trình chỉnh trang kênh rạch trên địa bàn TP.HCM giờ có lẽ chỉ còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền trong thời gian tới.

Nhìn lại “lịch sử”, việc di dời nhà trên kênh rạch ở TP.HCM cứ chậm dần đều theo thời gian. Nếu giai đoạn 1993 – 2000 di dời được 9.266 căn; giai đoạn 2001 – 2005 di dời được 15.548 căn thì đến 2006 – 2010 số lượng nhà được di dời giảm còn một nửa, chỉ 7.542 căn. Đến giai đoạn 2011 – 2015, con số này tiếp tục rơi mạnh, còn 3.350 căn và giai đoạn 2016 – 2020 chỉ di dời được 2.479 căn. Ngược lại với tốc độ di dời, tốc độ lòng kênh bị thu hẹp do hộ dân lấn chiếm lại tăng nhanh. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập lụt trong đô thị mà tình trạng lấn chiếm kênh rạch còn tiềm ẩn rủi ro đến tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân. Vụ cháy cả dãy nhà trên kênh Tàu Hủ mấy tháng trước là điển hình.

Thực tế, kế hoạch di dời nhà trên kênh rạch được chính quyền TP.HCM đặt ra từ rất sớm. Trong suốt hơn 2 thập niên qua, TP cũng đã ra nhiều nghị quyết nhằm thực hiện việc này. Thế nhưng những vướng mắc về cơ chế, kinh phí… khiến các mục tiêu chưa thể đạt được. Điều đáng mừng là hiện tại, những nút thắt này đã được tháo cởi mạnh mẽ. Đơn cử về cơ chế.

Trước luật Đất đai 2024 (sẽ có hiệu lực vào 1.8 tới) thì chỉ những hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện tái định cư (hộ nghèo, không có giấy tờ hợp pháp và không được hưởng chính sách nhà ở xã hội – NOXH) mới được bố trí tái định cư bằng hình thức bán hoặc cho thuê NOXH. Các hộ còn lại thì chưa có cơ chế giải quyết trong khi ai cũng biết, nhà tạm bợ nhưng chỗ ở, sinh kế là thật. Ở góc độ quản lý, chính quyền TP.HCM nói riêng cũng như nhiều địa phương rơi vào thế khó, di dời họ đi không được, để ở lại cũng không xong nên cứ loay hoay. Nhưng nay nút thắt này đã được tháo mở. Cụ thể theo luật Đất đai 2024, các trường hợp bị thu hồi đất mà có hoặc không có nhà ở trên đất đều được bố trí tái định cư bằng đất ở hoặc nhà ở theo nhiều hình thức (bán, cho thuê, cho thuê mua) để đảm bảo có chỗ ở cho người có đất bị thu hồi. 

Nói cho dễ hiểu là tất cả nhà trên và ven kênh rạch khi bị thu hồi để thực hiện dự án sẽ được bố trí tái định cư bằng hình thức bán hoặc cho thuê NOXH khi địa phương có quỹ NOXH hoặc quỹ đất để xây dựng NOXH. Liên quan đến việc này, TP cũng vừa có đề xuất thí điểm giải quyết cho hộ gia đình có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua NOXH khi nhà nước thực hiện dự án di dời để chỉnh trang đô thị. TP thuận lợi hơn khi đang có hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang. Việc còn lại là “khớp nối” 2 cái lại với nhau là vẹn cả đôi đường.

Tương tự với kinh phí, TP có thể vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách, nguồn thu trong Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đột phá phát triển để tập trung đầu tư cho các dự án di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch. Trước đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho việc này với rất nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể, thực tế và khả thi. Đặc biệt nếu có thể giải quyết cho hộ gia đình có nhà trên và ven kênh rạch được thuê, thuê mua NOXH như TP.HCM vừa đề xuất thí điểm như nói trên thì tận dụng quỹ đất ven kênh rạch cũng là một nguồn lực cực lớn để hỗ trợ ngược lại cho chương trình di dời đang tắc bao năm nay.

Có thể nói, mọi điều kiện cần và đủ đã hòm hòm, vấn đề còn lại là TP quyết liệt, tập trung dồn lực để thực hiện thì chương trình di dời nhà trên kênh rạch chắc chắn sẽ đạt kết quả khả quan. Khi đó, bộ mặt đô thị cũng như đời sống của hàng vạn hộ dân sẽ được nâng cao, đúng với chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế của TP lớn nhất cả nước.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img