Xu hướng sống xanh và tiêu dùng xanh hiện nay đặt ra bài toán cần có giải pháp để phát triển thương hiệu Việt phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thương hiệu đã và đang được xác định là một trong những vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nói một cách khác, các doanh nghiệp đã nhận thức rất rõ về vai trò của thương hiệu và những đóng góp cực kỳ quan trọng của thương hiệu trong thành công của một doanh nghiệp.
Trong đó, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh đang là xu hướng, là yêu cầu bắt buộc. Tùy theo mức độ doanh nghiệp có sự quan tâm khác nhau nhưng đối với thị trường hiện nay, người tiêu dùng quan tâm rất nhiều đến phát triển xanh, giữ gìn và bảo vệ môi trường trước biến đổi của khí hậu – nên đây là điều không thể bỏ qua trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khách hàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định mua hàng có sự ủng hộ rõ rệt đối với các thương hiệu có định hướng phát triển xanh, phát triển bền vững, có ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và sử dụng nguyên liệu xanh. Như vậy, các thương hiệu được xây dựng gắn với các giá trị phát triển xanh sẽ hưởng lợi thế tiên phong trong lĩnh vực này trên thị trường.
Trong bối cảnh đó, để nâng cao giá trị của thương hiệu Việt, các chuyên gia cho rằng, giải pháp phát triển nội lực “mềm” cho doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại xanh nên gắn với thực chất những giải pháp CSR (trách nhiệm của doanh nghiệp), ESG (môi trường-xã hội-quản trị doanh nghiệp), Net-Zero (phát thải ròng bằng 0) trong hệ sinh thái doanh nghiệp để hình thành “câu chuyện” xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của nhà nước.
Đưa ra những giải pháp để việc xây dựng thương hiệu gắn với phát triển xanh thực sự có hiệu quả, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mibrand Việt Nam (công ty cung cấp dich vụ Tư vấn xây dựng thương hiệu và Nghiên cứu thị trường) đề nghị, Nhà nước, cơ quan quản lý cần có những cơ chế, chính sách và hành động cụ thể.
“Cần có chính sách khuyến khích chứ không chỉ là câu chuyện hô hào cho có, cần có sự truyền thông và quảng bá rộng rãi về việc này”, Giám đốc Mibrand Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Mạnh, đối với nước ngoài đã có những gói tài trợ cho các sản phẩm ưu tiên, Việt Nam cũng cần quan tâm về ngân sách, ngân quỹ, có các khoản vay ưu đãi cho phát triển xanh, và những ưu đãi cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận.
Ngoài ra, rất cần có các gói hỗ trợ cụ thể và có thể là chọn ra một vài ngành cấp thiết, những ngành buộc phải chuyển đổi và trong ngành này lại chọn ra một số doanh nghiệp (với các điều kiện: doanh nghiệp cấp thiết phải làm, lãnh đạo doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về phát triển xanh, doanh nghiệp có vốn đối ứng để làm nhưng khó khăn về mặt triển khai, thiếu chuyên gia…). Từ đó đưa ra luôn các gói hỗ trợ triển khai, vốn vay ưu đãi, có thể là có các chuyên gia vào để tư vấn về chuyển đổi, về luật, về công nghệ…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất một số giải pháp xanh cho thương hiệu Việt nhằm nâng cao năng lực cung ứng và vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và trên thế giới.
Theo ông Đức, cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương, sản phẩm OCOP cũng cần được quy hoạch rõ ràng, phân bố hợp lý chứ không phải người người nhà nhà làm OCOP.
“Chẳng hạn như xoài có tới hơn 40 sản phẩm OCOP, không biết nơi nào là đặc trưng. Cần quy hoạch lại sản phẩm nào cho thị trường. Qua khảo sát nhận thấy ở mỗi thị trường nước ngoài, hàng Việt chỉ đang chiếm dưới 2% hàng nhập khẩu vào nước họ. Muốn tăng lên 5-7% thì phải có quy hoạch để có sản phẩm mũi nhọn”, chuyên gia này chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Đồng thời, phải có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt. Cần phát triển thương mại điện tử để nâng bước cho hàng Việt, cùng với logistics, hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu…
“Thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Và trong bối cảnh khoa học công nghệ, thông tin đang bùng nổ như hiện nay thì việc xây dựng thương hiệu càng trở nên cấp thiết. Xây dựng thương hiệu chính là gia tăng nội lực nội sinh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển vững mạnh, từng bước vươn xa hơn trên thị trường trong nước và thế giới”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn