Thursday, November 28, 2024

Mở quán cà phê trên đất trồng lúa để khách ‘check in’, có phạm luật?

Đất trồng lúa là đất nông nghiệp, phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất, nếu muốn kinh doanh cà phê phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tôi thấy trên mạng có nhiều nơi mở quán cà phê ngay tại đất trồng lúa, đất vườn… để phục vụ khách đến “check in” đồng lúa chín, thư giãn và gần gũi với đồng quê.

Quán mở khá đơn sơ, mộc mạc, đôi khi chỉ là cái chòi lá, giăng đèn điện, đường dẫn vào quán giữa mênh mông ruộng lúa là những tấm gỗ được đóng lại đưa lên cao ngang tầm với lúa… Hay chỉ đơn thuần là chòi gỗ, lợp lá ngay giữa khoảng đất vườn trống, rồi để những bộ bàn ghế cho khách đến ngắm.

Tôi thấy mô hình trên khá hay, cũng muốn mở quán cà phê. Vậy pháp luật quy định sao về trình tự, thủ tục mở quán cà phê tương tự như trên? Tôi có phải đăng ký giấy phép kinh doanh? Việc mở quán trên đất trồng lúa, đất vườn có phạm luật không? Tôi cần phải làm những gì để không vi phạm pháp luật?

Bạn đọc Văn Hiền.

Luật sư tư vấn

Luật sư Nguyễn Bảo Anh, Trưởng văn phòng luật sư Bảo Anh, tư vấn trường hợp trên của bạn áp dụng quy định của luật Đất đai 2013 hiện hành và luật Đất đai 2024 (có hiệu lực ngày 1.8).

Hiện có 3 nhóm đất gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Có thể hiểu đất nông nghiệp là đất sử dụng với mục đích nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản… Như vậy, đất ruộng lúa là loại đất nông nghiệp, phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất (khoản 1 điều 6 và luật Đất đai 2013).

Đất để xây dựng quán cà phê là đất thương mại, dịch vụ thuộc về nhóm đất phi nông nghiệp. Cho nên việc xây dựng quán cà phê trên đất nông nghiệp khi chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật đất đai. Người nào vi phạm có thể bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 250 triệu đồng tùy theo diện tích vi phạm (khoản 3 điều 9 Nghị định 91 năm 2019). Nếu việc sai phạm tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai lần mức phạt nêu trên.

Mở quán cà phê trên đất trồng lúa để khách ‘check in’, có phạm luật?

Đất ruộng là loại đất nông nghiệp, phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất

Ảnh minh họa: DUY TÂN

Do vậy, nếu muốn mở quán cà phê trên đất lúa, thì bạn phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại, dịch vụ (đất phi nông nghiệp).

Để chuyển mục đích sử dụng đất, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30 năm 2014 của Bộ TN&MT, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại khoản 2 điều 59 luật Đất đai năm 2013, thì UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 ha trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi quyết định.

Sau đó, bạn nộp hồ sơ đến UBND cấp huyện để xem xét. Nếu được chấp thuận, bạn sẽ phải nộp tiền sử dụng đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…

Lưu ý, các điều khoản trên của luật Đất đai 2013 tuy có thay đổi về thứ tự điều khoản tại luật Đất đai 2024 (có hiệu lực ngày 1.8) nhưng không thay đổi về nội dung.

Về trình tự, thủ tục mở quán cà phê, bạn cần phải tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh. Với quy mô kinh doanh nhỏ như nêu trên, thì bạn có thể xin phép thành lập hộ kinh doanh.

Căn cứ tại điều 87 Nghị định 01 năm 2021 quy định về đăng ký hộ kinh doanh như sau:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Tiếp đó, bạn nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cụ thể là Phòng tài chính – kế hoạch cấp huyện. Hiện việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ thực hiện trực tuyến trên trang web của Cổng dịch vụ công quốc gia: https://dichvucong.gov.vn).https://dichvucong.gov.vndichvucong.gov.vn. Cơ quan đăng ký sẽ trao giấy biên nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho bạn hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo sẽ nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Do quán cà phê cung cấp dịch vụ thực phẩm là đồ ăn và thức uống, nên yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm của quán cà phê là điều rất quan trọng cần phải đảm bảo. Vì vậy, bạn cần liên hệ UBND cấp quận, huyện để hỏi thủ tục và hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc ký bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img