Tuesday, November 5, 2024

3 tháng gấp rút sắp xếp đơn vị hành chính

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025, có 53 địa phương phải sắp xếp lại, trong đó có 49 đơn vị cấp huyện, sau sắp xếp giảm 12 đơn vị; còn cấp xã có 1.247 đơn vị, sau sắp xếp giảm 624 đơn vị.

Ngày 8.7, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Lộ trình và phương án sắp xếp đơn vị hành chính là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.

Tháng 9 phải hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính

Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023 – 2025, có 53 địa phương phải sắp xếp lại, trong đó có 49 đơn vị cấp huyện, sau sắp xếp giảm 12 đơn vị; còn cấp xã có 1.247 đơn vị, sau sắp xếp giảm 624 đơn vị. Tính đến ngày 30.6, Bộ Nội vụ nhận 28/53 hồ sơ của địa phương, đã thẩm định 14 đề án và trình Chính phủ 5 đề án của các tỉnh, thành: Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Cần Thơ, Ninh Thuận.

3 tháng gấp rút sắp xếp đơn vị hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ làm việc với các địa phương chậm sắp xếp đơn vị hành chính

Nguyên Vũ

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), cho biết việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải hoàn thành trước tháng 10.2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý 1/2025. Như vậy, quỹ thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn khoảng 3 tháng. Ông Tuấn nhìn nhận, nhiều địa phương đang gặp vướng mắc về quy hoạch đô thị và phân loại đô thị. Bộ Nội vụ đang phối hợp Bộ Xây dựng xây dựng nghị quyết đặc thù của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ nhằm bảo đảm tiến độ chung.

Là địa phương có số lượng lớn ĐVHC cần phải sắp xếp, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An Nguyễn Viết Hưng cho biết trong giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh sẽ sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã thuộc H.Nghi Lộc vào TP.Vinh, sắp xếp 92 ĐVHC cấp xã. Sau sắp xếp, tỉnh Nghệ An dôi dư 207 cán bộ, công chức cấp huyện và 799 cán bộ, công chức cấp xã. Việc sắp xếp cán bộ, công chức được thực hiện theo phương án điều động sang các xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện, nghỉ hưu, điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập…

Đối với trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho hay sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để giải quyết trụ sở dôi dư trong năm 2025 – 2026…

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định nếu địa phương nào không hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 9.2024 sẽ phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội. Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với một số địa phương chậm trễ, chần chừ, chưa quyết liệt khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Cải cách tiền lương vẫn còn nhiều việc phải làm

Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, bà Trà đề nghị Sở Nội vụ các địa phương phải giám sát việc xây dựng quy chế, vấn đề quản lý thu nhập, các nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. Việc thực hiện cơ chế thưởng cho cán bộ, công chức tiêu biểu, xuất sắc phải đảm bảo minh bạch, khách quan. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tập trung tham mưu sửa đổi 4 luật (luật Tổ chức chính phủ, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức) cùng 10 nghị định liên quan để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, từng bước ngăn chặn tình trạng sợ sai, né tránh.

Liên quan đến cải cách chính sách tiền lương thực hiện từ ngày 1.7, bà Trà cho rằng chính sách được tham mưu một cách thận trọng, bài bản, đảm bảo yếu tố bao trùm và hiệu quả, góp phần tạo nên tâm trạng xã hội vui tươi, phấn khởi, hài lòng. Không chỉ khu vực công mà còn hơn 50 triệu người gắn với mức lương cơ sở và các chế độ phụ cấp, trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cũng được hưởng lợi. Chính sách này đáp ứng sự mong đợi của tất cả đối tượng, không để ai bị thiệt thòi trong chính sách về lương, trợ cấp và phụ cấp. Bà Trà đề nghị Sở Nội vụ các địa phương giám sát việc xây dựng quy chế quản lý và thu nhập, các nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết cải cách tiền lương vẫn còn nhiều việc phải làm, đó là tiếp tục thực hiện theo lộ trình, trả lương theo vị trí việc làm.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img