Sáng 11/7/2024, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI.
Thỏa ước lao động tập thể lần thứ VI được Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam thương lượng từ ngày 26/4 đến ngày16/5/2024 nhằm xác lập các chế độ, chính sách phúc lợi cao hơn quy định của pháp luật để áp dụng cho người lao động trong hệ thống.
Qua 3 phiên họp thương lượng, hai bên đã thống nhất một số nội dung sau:
Thứ nhất, giữ nguyên các điều khoản đã xác lập trong Thỏa ước lao động tập thể ngành lần V về mức thu nhập tối thiểu, thang bảng lương, chế độ phụ cấp, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và quy định về đảm bảo duy trì, cải thiện các chế độ đã đạt được.
Thứ hai, tăng mức và xác định mức tiền cụ thể đối với một số chế độ, chính sách đã được xác lập từ Thỏa ước lao động tập thể ngành lần V gồm: tăng mức tiền ăn ca thêm 2.000 đồng/suất/vùng; tặng quà cho lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần.
Thứ ba, xác lập chế độ phúc lợi mới: Chi hỗ trợ người lao động nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi mức tối thiểu 50.000 đồng/người/tháng.
Thỏa ước lao động tập thể đã mở rộng đối tượng tham gia áp dụng. Theo đó, những doanh nghiệp mà người sử dụng lao động không thuộc Hiệp hội và công đoàn cơ sở không thuộc Công đoàn Dệt May nhưng nếu cả người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động của doanh nghiệp cùng ký công văn xin tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành gửi cho Hiệp hội và Công đoàn Dệt May Việt Nam và được cả hai bên chấp thuận thì được áp dụng Thỏa ước lao động tập thể ngành.
Qua 5 lần ký kết, Thỏa ước lao động tập thể đã phát huy vai trò xác định chính sách khung của ngành, làm cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện và điều chỉnh chế độ chính sách đối với người lao động góp phần cải thiện việc làm, đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Lần ký kết thứ VI này sẽ tiếp tục đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, cũng như điều hòa lợi ích, hạn chế cạnh tranh về chi phí lao động giữa các doanh nghiệp trong hệ thống, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động Dệt May trên cả nước.
Tại lễ ký kết, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may 6 tháng đầu xuất khẩu được 19.530.000.000 USD vào 104 thị trường trên toàn cầu và tận dụng được khá tốt các lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do FTA. Không dừng lại ở đó ngành dệt may vẫn nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tượng khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng.
Tuy nhiên theo ông Giang, ngành dệt may hiện còn nhiều thách thức và khó khăn trước hệ lụy của chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo ra áp lực lớn cho ngành dệt may về nguồn cung thiếu hụt nguyên liệu và phần xuất khẩu các mặt hàng về sợi vào thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, là thách thức không nhỏ từ hàng rào kỹ thuật của thị trường Châu Âu đưa ra, như tiêu chuẩn về xanh hóa bao gồm các sản phẩm tái chế, môi trường, nước thải và năng lượng tái tạo dùng trong các nhà máy.
“Ngoài ra ngành dệt may còn gặp khó khăn từ việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác về Việt Nam, tuy có lượng tồn kho giảm nhưng sức mua từ thị trường toàn cầu không tăng. Ngành dệt may còn ảnh hưởng do sự chuyển dịch lao động, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chịu áp lực về chuyển dịch lao động này. Vì điều này khiến sự xáo trộn rất lớn về dây chuyền sản xuất, do doanh nghiệp mất thời gian từ 8 tháng đến 1 năm đào tạo công nhân mới. Nhưng cái khó hiện nay, theo luật hiện hành người lao động chỉ thử việc một tuần phải ký hợp đồng lao động, mà một tuần không thể làm được việc… Do đó doanh nghiệp cần có chế độ ưu đãi và quan tâm hơn đến đời sống người lao động”. – ông Giang chia sẻ.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn