Thursday, July 18, 2024

Thượng đỉnh NATO nhấn mạnh tình đoàn kết và mở rộng hợp tác

Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm nay bước sang ngày họp cuối cùng, với việc ra tuyên bố chung khẳng định sự đoàn kết và mở rộng hợp tác. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là thông điệp được các nhà lãnh đạo liên minh quân sự này đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị.

Trong tuyên bố chung 38 điểm, lãnh đạo các nước thành viên NATO khẳng định tình đoàn kết trong khối, đồng thời nhấn mạnh NATO tiếp tục là diễn đàn xuyên Đại Tây Dương quan trọng và không thể thiếu nhằm tham vấn, phối hợp và hành động trước mọi vấn đề liên quan tới an ninh tập thể và của mỗi nước.

Các đồng minh NATO cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ cốt lõi của khối bao gồm răn đe và phòng thủ, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, và an ninh hợp tác. 

Phát biểu tại tiệc chiêu đãi các nhà lãnh đạo NATO và các đối tác, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Trong 75 năm qua, NATO đã cho phép chúng ta đạt được những khả năng mới. Nó cho phép các quốc gia của chúng ta đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào bằng sức mạnh và quyết tâm. Và trên hết, cho phép chúng ta biết về cuộc sống tự do, an ninh và dân chủ và mạnh mẽ hơn và gần gũi hơn trong tất cả những năm tới”.

Bên cạnh việc thể hiện tình đoàn kết giữa các thành viên trong khối, một điều có thể thấy rõ ở hội nghị  NATO lần này chính là sự mở rộng hợp tác với các quốc gia bên ngoài NATO.

Từ lâu, vai trò của NATO luôn được hiểu là gắn với an ninh khu vực châu Âu. Tuy nhiên, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng đòi hỏi NATO cần phải mở rộng tầm nhìn chiến lược ra ngoài khu vực Bắc Đại Tây Dương truyền thống.

 Kỷ niệm75 năm thành lập, hội nghị NATO năm nay có sự xuất hiện của 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển. Cùng với sự xuất hiện của các thành viên mới và lãnh đạo các nước NATO, hội nghị cũng chứng kiến sự có mặt của các đối tác là lãnh đạo các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đây là những quốc gia chia sẻ với NATO các mối lo ngại về an ninh – kinh tế nhằm đối trọng với trục an ninh kinh tế là Trung Quốc và Nga. Thực tế này cho thấy NATO đang tăng cường liên kết không chỉ với các đồng minh mà cả với các đối tác Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.  

Điều này đã được chính Tổng thư ký NATO NATO Stoltenberg nhấn mạnh tại hội nghị: “Chúng ta là một gia đình NATO lớn xuyên Đại Tây Dương, một gia đình, với những người bạn thân nhất của chúng tôi, với những người bạn đến từ Ukraine, với những người bạn đến từ châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi không phải là một gia đình bình thường với những người bạn và đối tác bình thường mà chúng ta là một liên minh quân sự với những đối tác thân thiết mà chúng ta hợp tác hàng ngày”.

Theo đánh giá của giới phân tích, việc NATO mở rộng hợp tác và xích lại gần các đối tác bên ngoài khu vực Đại Tây Dương, trong đó có các đối tác châu Á không phải là diễn biến mới. Tuy nhiên khi đặt trong bối cảnh chính trị phức tạp như hiện nay, đây là nhu cầu ngày càng cấp thiết. Bởi lẽ một NATO, một Liên minh châu Âu độc lập và tự chủ hơn về an ninh cũng như  mở rộng mối quan hệ hợp tác là mong muốn của nhiều lãnh đạo thành viên NATO. Trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị có sự thay đổi về quyền lực chính trị, việc mở rộng thành viên và đa dạng hóa lựa chọn hợp tác sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho bản thân NATO và các đối tác.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi