Monday, November 25, 2024

Ngành thời trang hưởng lợi nhờ trào lưu giảm cân

PNO – Bên cạnh giảm cân lành mạnh, sự bùng nổ của thuốc giảm cân đã và đang tạo động lực tăng trưởng tích cực cho các thương hiệu thời trang.

Thừa cân, béo phì tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe khi dẫn đến hàng loạt bệnh lý. Do đó, ý thức về việc kiểm soát cân nặng được hưởng ứng ở phạm vi toàn cầu kéo theo sự thay đổi diện rộng cho ngành thời trang.

Ngành thời trang hưởng lợi nhờ trào lưu giảm cân

Những mẫu đầm ôm sát cơ thể ngày càng được nhiều phụ nữ lựa chọn để khoe vóc dáng sau quá trình giảm cân thành công

Tốn kém nhưng hạnh phúc

Ngành thời trang, trước sự phát triển của các nền tảng xã hội, đã không ngừng cổ vũ cho sự đa dạng về hình thể, giúp mọi người tự tin hơn mà trước hết là với chính cơ thể họ. Song song đó, ngành cũng nhanh chóng bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng khi họ ngày càng ưa chuộng các kiểu quần áo gọn nhẹ, thanh thoát nhờ giảm kích thước và các chỉ số của cơ thể.

Maggie Rezek – 32 tuổi, nhân viên một thẩm mỹ viện ở TP Indianapolis, bang Indiana, Mỹ – vẫn thường giấu thân hình quá khổ trong những chiếc áo sơ mi ngoại cỡ và những chiếc quần rộng thùng thình. Kể từ khi giảm được 27kg, Rezek đã không tiếc tiền mua một tủ đầy quần áo mới. Bây giờ, các món đồ yêu thích của cô là áo lửng và quần short jeans – những trang phục trước đây cô chỉ biết thèm thuồng ao ước khi nhìn các cô gái xung quanh diện chúng. Trong tủ giày của Rezek, những đôi giày thể thao đã được thay bằng giày cao gót.

Tương tự, Jillian Sterba – 36 tuổi, bang Texas, Mỹ – đã chuyển sang sử dụng áo quần cỡ 4 sau khi giảm được 16kg. Cô phải mua quần jeans, áo sơ mi và đồ lót mới vì không thể mặc vừa khoảng một nửa số quần áo cũ. Dù tốn khá nhiều chi phí cho quần áo mới nhưng Sterba rất hài lòng.

Hiện tại, hàng loạt xu hướng giảm cân rầm rộ xuất hiện, đi kèm những cảnh báo về sức khỏe khi cân nặng vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, nỗ lực của chính phủ các nước trong việc hạn chế các thực phẩm chế biến nguy hại đã thúc đẩy người dân toàn cầu ý thức hơn về cân nặng. Giảm cân và kiểm soát cân nặng trở thành mối quan tâm sâu rộng, thậm chí là nỗi ám ảnh từ Á sang Âu, từ phụ nữ đến đàn ông và trẻ nhỏ. Điều đó đã thúc đẩy doanh thu của ngành thời trang ở dòng trang phục có kích cỡ nhỏ hơn.

Ngành thời trang hưởng lợi nhờ trào lưu giảm cân

Cuộc “săn lùng” trang phục có kích cỡ nhỏ hơn đang diễn ra ráo riết

Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank AG, bên cạnh giảm cân lành mạnh, sự bùng nổ của thuốc giảm cân đã và đang tạo động lực tăng trưởng tích cực cho các thương hiệu đồ thể thao và nhà bán lẻ quần áo. Adam Cochrane nhấn mạnh, những người gầy hơn sẽ cần mua kích cỡ nhỏ hơn và có động lực tập thể dục nhiều hơn. Nhờ đó, các nhà sản xuất đồ thể thao như Adidas, Puma… trở thành các thương hiệu hưởng lợi tiềm năng, cùng các nhà bán lẻ thời trang nhanh như Inditex (thương hiệu Zara), Hennes & Mauritz (thương hiệu H&M) và chuỗi Primark thuộc sở hữu của Associated British Foods.

Đã đến lúc… khoe thay vì che

Nhiều thương hiệu không thuộc các tập đoàn lớn cũng nhanh chóng thay đổi kiểu thiết kế và kích cỡ quần áo để đáp ứng nhu cầu của người dùng, tương tự trước đây họ đã nhạy bén tăng cỡ trang phục. Deirdre Quinn – CEO của Lafayette 148, thương hiệu thời trang tại New York – cho biết khoảng 5% khách hàng của thương hiệu mua trang phục mới vì cân nặng giảm đáng kể. “Khách hàng thường thay đổi từ quần áo cỡ 12 sang cỡ 6 hoặc 8. Sự thay đổi đó không chỉ thúc đẩy doanh số bán hàng mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất vì quần áo kích cỡ nhỏ sử dụng ít vải hơn” – Quinn cho biết.

Ngành thời trang hưởng lợi nhờ trào lưu giảm cân

Khi ý thức về việc kiểm soát cân nặng được hưởng ứng ở phạm vi toàn cầu, các nhà sản xuất đồ thể thao như adidas, Puma… trở thành các thương hiệu hưởng lợi tiềm năng

Tán đồng ý kiến trên, Jennifer Hyman – đồng sáng lập kiêm CEO của Rent the Runway, công ty cho thuê quần áo ở New York – cũng tiết lộ, lượng khách hàng thuê quần áo cỡ nhỏ đang gia tăng nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm qua. Những khách hàng này ưa chuộng các kiểu quần áo ôm sát cơ thể cũng như sẵn sàng thử nghiệm nhiều kiểu quần áo khác nhau, kể cả những kiểu có các đường cắt xẻ táo bạo để khoe vóc dáng. “Dường như sau những nỗ lực để đạt được mức cân nặng hiện tại, họ muốn “khoe” với thế giới thành quả họ đạt được bằng cách diện những bộ cánh sành điệu và thời trang hơn” – Hyman nói với tờ WSJ.

Amarra – công ty chuyên sản xuất đầm dạ hội và trang phục nghi lễ – từng ghi nhận nhu cầu gia tăng đối với các trang phục có kích cỡ lớn sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tại, xu hướng này đảo ngược hoàn toàn. Abhi Madan – đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Amarra – cho biết trong suốt năm 2023 và nửa đầu năm 2024, các nhà bán lẻ cần kích cỡ nhỏ hơn.

Nhu cầu mới buộc Amarra điều chỉnh cũng như thay đổi kích cỡ trang phục. Chẳng hạn, thương hiệu này thay dây khóa kéo ở các sản phẩm áo nịt ngực bằng dây buộc, có thể dễ dàng thắt chặt và nới lỏng để vừa vặn với cân nặng đang thay đổi của khách hàng. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng thêm vào hạng mục sản xuất kích cỡ 000. Ngoài ra, công ty sản xuất nhiều sản phẩm kích cỡ từ 0-8 hơn, thay vì 18-24 như trước kia.

Edmond Moss – Giám đốc bán hàng của AllStar Logo, thương hiệu áo sơ mi polo, áo khoác lông cừu và các trang phục khác – cho hay, nhu cầu về cỡ áo quần lớn nhất của thương hiệu đã giảm một nửa so với năm ngoái.

Khảo sát của Impact Analytics trên 12 thương hiệu thời trang tại New York cho thấy, doanh số 3 kích cỡ lớn nhất của loại áo sơ mi với cổ áo cài nút dành cho phụ nữ đã giảm 10,9% trong 3 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, doanh số của những chiếc áo sơ mi cùng loại ở 3 kích cỡ nhỏ nhất tăng 12,1%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra với váy và áo len của phụ nữ cũng như áo polo, áo nỉ và áo phông nam.

Khảo sát cũng chỉ rõ, nếu không có những thay đổi kịp thời về kích cỡ trang phục, các thương hiệu sẽ ôm lượng hàng tồn rất lớn vào nửa cuối năm 2024, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. “Trong một thị trường mà độ chính xác và khả năng thích ứng cực kỳ quan trọng, việc không điều chỉnh theo sự thay đổi mạnh mẽ về kích thước cơ thể có thể gây ra thảm họa tài chính cho các nhà bán lẻ thời trang” – các nhà phân tích của Impact Analytics nhấn mạnh.

Năm 2019, theo Glamour, 68% phụ nữ ngoại cỡ mua sắm các mặc hàng thời trang từ size 12 trở lên. Hiện tại, con số này đang giảm về dưới mốc 50% và vẫn tiếp tục lao dốc. “Vẫn chưa thể kết luận xu hướng thay đổi kích cỡ là tác động từ việc giảm cân hay do ngành thời trang đã thay đổi nhưng rõ ràng sự thay đổi này là điều bất thường. Đó không phải là điều chúng tôi từng thấy trước đây” – Prashant Agrawal – CEO của Impact Analytics – nói. Tất nhiên, giảm cân lành mạnh và phù hợp với cơ thể luôn được khuyến nghị và đặt lên hàng đầu.

 

Thư Hiên

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img