Thursday, July 18, 2024

Công an TP.HCM nói không cần nộp sổ hộ khẩu khi nhập học cho con

Đây là phản ánh của cử tri TP.HCM trong chương trình chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời chủ đề Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số – Sự hài lòng của người dân, do HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT-TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức sáng 14.7.

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Hữu Ngữ phản ánh tình trạng đi đăng ký nhập học cho con nhưng bị yêu cầu nộp sổ hộ khẩu, dù theo quy định pháp luật là không cần.

Tiếp đó, ông Ngữ cũng đặt câu hỏi cho lãnh đạo TP.HCM về việc chữ ký số có được thay thế cho chữ ký sống trong mọi trường hợp và người dân đăng ký chữ ký số có mất phí hay không.

Ông Ngữ cũng đặt vấn đề đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân theo pháp luật quy định. Cử tri này có thắc mắc ai là người được phép tiếp cận nguồn thông tin này trong các trường hợp nhất định và có cách nào để thông tin không bị đánh cắp hay sai lệch khi triển khai đề án chuyển đổi số trong thủ tục hành chính.

Liên quan tới nội dung đi làm thủ tục hành chính nhưng vẫn còn một số các cơ quan yêu cầu phải cung cấp số hộ khẩu của cử tri Nguyễn Hữu Ngữ, thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM khẳng định, đây là việc làm không phù hợp.

Công an TP.HCM nói không cần nộp sổ hộ khẩu khi nhập học cho con

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM trả lời tại chương trình

CHỤP MÀN HÌNH

“Theo luật Cư trú năm 2020 và Nghị định số 174 của Chính phủ, sổ hộ khẩu giấy không còn giá trị sử dụng từ ngày 1.1.2023. Bộ Công an với vai trò là thường trực giúp việc cho tổ công tác của Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ban, ngành rà soát các thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu để điều chỉnh cho phù hợp mà không bắt buộc người dân phải xuất trình. Đối với TP.HCM, chúng tôi cũng đã thực hiện việc rà soát này và yêu cầu các đơn vị khi giải quyết các thủ tục hành chính không được bắt người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu”, thượng tá Hải thông tin.

Đại diện Công an TP.HCM cho biết, nếu vẫn xuất hiện tình trạng yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi làm thủ tục hành chính, người dân có thể phản ánh đến Công an TP.HCM, cơ quan sẽ tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh hành vi này.

Thông tin cá nhân chỉ được cung cấp để giải quyết thủ tục hành chính

Trả lời ý kiến cử tri về bảo mật dữ liệu cá nhân, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết, thông tin cá nhân của người dân khi thực hiện giao dịch trên các hệ thống của các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đều được bảo mật.

“Việc bảo mật này thông qua 3 biện pháp chính là giải pháp kỹ thuật, quy chế sử dụng thông tin được cụ thể hóa trong các luật, nghị quyết liên quan và cuối cùng là nhân sự tham gia hệ thống. Do vậy, toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, thông tin cá nhân chỉ được cung cấp cho mục đích giải quyết hồ sơ đó theo nhiệm vụ của công chức, viên chức được phân công thực hiện”, bà Trinh cho biết.

Hiện nay, hệ thống máy chủ của các đơn vị hành chính được lưu trữ tập trung tại Trung tâm Dữ liệu TP.HCM. Trung tâm này được trang bị các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo dữ liệu được lưu trữ an toàn, bảo mật và được vận hành thông suốt, đảm bảo hoạt động 24/7.

“Ngoài ra, các quy định bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng được quy định trong luật An toàn thông tin mạng, luật An ninh mạng. Khi xây dựng các quy chế vận hành hệ thống chuyển đổi số, chúng tôi đều chi tiết hóa những quy định này để đảm bảo việc khai thác, sử dụng thông tin cá nhân chỉ vào mục đích phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, hiện Bộ Công an cũng đang đệ trình Chính phủ xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và dự kiến trình Quốc hội trong năm 2025”, bà Trinh thông tin.

Công an TP.HCM nói không cần nộp sổ hộ khẩu khi nhập học cho con

Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM trả lời thắc mắc của người dân

CHỤP MÀN HÌNH

Bên cạnh đó, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM nhận định, để vận hành đồng bộ hệ thống giải quyết thủ tục hành chính chuyển đổi số tránh những lỗi phát sinh, TP.HCM cần giải quyết 3 nhóm vấn đề chính.

“Thứ nhất, chúng ta cần trang bị hệ thống máy tính có kết nối mạng cho các cơ sở, đặc biệt là các phường, xã, thị trấn để đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống mạng của thành phố và Chính phủ.

Thứ hai, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với văn phòng UBND các cấp, các sở, ban, ngành và từng người dân ghi nhận ý kiến để hoàn thiện chương trình theo hướng đơn giản các thủ tục và thao tác sử dụng.

Thứ ba, TP.HCM cần giải pháp kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý, cơ sở dữ liệu hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý và các hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia do Văn phòng Chính phủ đảm nhận”, bà Trinh nói.

Chữ ký số có thay thế hoàn toàn chữ ký sống?

Về vấn đề chữ ký số, ông Võ Minh Thành, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM cho biết: “Hiện nay, giá trị pháp lý của chữ ký số đã được quy định trong luật Giao dịch điện tử năm 2023, như vậy, chữ ký số có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký của cá nhân trên bảng giấy. Năm 2023, Sở TT-TT phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và của TP.HCM. Chữ ký này có thời hạn sử dụng 1 năm”.

Thời gian tới, Sở TT-TT sẽ phối hợp các đơn vị để có các giải pháp hỗ trợ tiếp cho người dân về phần phí thường niên. Hiện nay, TP.HCM đã cấp được gần 1,6 triệu chữ ký số trên địa bàn TP.HCM.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi