Thursday, July 18, 2024

Quốc lộ 1A ở cửa ngõ Tây Nam TPHCM: Quá tải và lạc hậu!

Là một trong những trục đường chính kết nối TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thế nhưng Quốc lộ 1A (QL1A) ở cửa ngõ Tây Nam thành phố chậm được nâng cấp, mở rộng, nhiều đoạn bị “thắt cổ chai” khiến tình trạng kẹt xe xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là vào giờ cao điểm và dịp lễ, Tết.

Kẹt xe thường xuyên

QL1A từ vòng xoay An Lạc đến H.Bình Chánh giáp ranh tỉnh Long An dài 9,6km đóng vai trò là trục giao thông “xương sống” kết nối TPHCM với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Bến xe Miền Tây và các tuyến đường lớn khác như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương… Mặc dù mỗi ngày đoạn đường này “gánh” số lượng rất lớn phương tiện giao thông qua lại, trong đó có cả xe container, xe khách, xe tải, nhưng mặt đường chỉ rộng từ 20 – 25m cho 4 – 6 làn xe, dẫn đến tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên.

Có mặt tại đoạn đường trên, phóng viên ghi nhận từ vòng xoay An Lạc đến ngã ba QL1A – Hưng Nhơn, giao thông diễn ra khá lộn xộn, thường xảy ra tình trạng xe máy chạy lấn sang làn dành cho ôtô, xe cơ giới nặng. Từ ngã ba QL1A – Hưng Nhơn đến cầu vượt nút giao Bình Thuận cũng thường xuyên bị ùn tắc, nghiêm trọng nhất là đoạn từ đường Dương Đình Cúc đến đường Nguyễn Hữu Trí. Nguyên nhân do đoạn này bị “thắt cổ chai”, mặt đường xuống cấp, hai bên có nhiều hàng quán chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, số lượng phương tiện từ hai tuyến đường Dương Đình Cúc và Nguyễn Hữu Trí liên tục dồn đến. Vào giờ cao điểm, xe cộ kẹt cứng, có lúc kéo dài gần cả cây số.

Quốc lộ 1A ở cửa ngõ Tây Nam TPHCM: Quá tải và lạc hậu!

QL1A ở cửa ngõ Tây Nam bị “thắt cổ chai”, kẹt xe thường xuyên

Anh Hoàng Văn Ty là tài xế xe tải chở hàng đông lạnh, cho biết: “Chạy xe từ miền Tây lên TPHCM, tôi ngán nhất là đoạn từ Long An đến vòng xoay An Lạc. Trong khi xe cộ nườm nượp đổ dồn về thì đường sá xuống cấp, “teo tóp”. Dù không phải giờ cao điểm thì xe cộ vẫn dày đặc, các phương tiện thường phải nhích từng chút. Xe container, xe khách, xe tải, ôtô cá nhân… chen chúc nhau trên hai, ba làn đường, nhưng cũng rất khó di chuyển nhanh hơn. Đây là trục đường huyết mạch của TPCHM và miền Tây, nhưng không hiểu sao tới giờ vẫn chưa được nâng cấp, mở rộng?”.

Việc đường sá chật chội, nhiều ôtô cá nhân, xe tải… chạy lấn làn nên người đi xe máy phải luồn lách, thậm chí chạy trên vỉa hè mới thoát qua được. Anh Nguyễn Văn Hoàng (quê Tiền Giang) kể: Vợ chồng anh làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo. Vào dịp cuối tuần, anh Hoàng và vợ thường về quê thăm con. “Mỗi lần về quê, em đều đi rất sớm. Nếu đi vào thời điểm từ 9 đến 12 giờ hoặc từ 3 đến 6 giờ chiều thì kiểu gì cũng bị kẹt từ vòng xoay An Lạc đến khu vực giáp ranh tỉnh Long An. Một đoạn đường chưa đầy 10 cây số nhưng nhiều bữa em bị kẹt cả tiếng đồng hồ, có khi kẹt tới vài tiếng đồng hồ. Vào dịp lễ, Tết, không khó để bắt gặp cảnh cả đoàn xe bị kẹt dài vài cây số” – Anh Hoàng nói.

Bên cạnh việc chậm được nâng cấp, mở rộng, tuyến đường trên cũng không có dải phân cách giữa làn xe 2 bánh với làn ôtô. Do đó, nhiều xe máy thường xuyên di chuyển trộn làn với xe container, xe tải, ôtô cá nhân…, tiềm ẩn nguy cơ va quệt rất cao.

Quốc lộ 1A ở cửa ngõ Tây Nam TPHCM: Quá tải và lạc hậu!

Do không có dải phân cách nên xe máy vẫn chạy trộn làn với ôtô

Cần sớm nâng cấp, mở rộng

Trước thực trạng kẹt xe triền miên trên QL1A ở cửa ngõ Tây Nam TPHCM, vào năm 2014, một nhà đầu tư đề xuất nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ này theo hình thức BOT. Đến năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về việc chỉ áp dụng hình thức đầu tư BOT cho các tuyến đường xây mới, những tuyến đường hiện hữu được nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT phải dừng lại và chuyển sang sử dụng ngân sách. Trong khi đó, TPHCM chưa thể cân đối vốn nên dự án trên rơi vào bế tắc.

Năm 2023, sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM áp dụng hình thức BOT đối với các công trình nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu, HĐND TPHCM mới thông qua chủ trương mở rộng QL1A theo hình thức này. Theo kế hoạch, đoạn QL1A trên sẽ được mở rộng lên 52m cho 8 làn xe, vốn đầu tư gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí cho khâu giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Ngân sách TPHCM sẽ góp gần 9.700 tỷ đồng, còn lại do nhà đầu tư huy động.

Đến tháng 8/2023, tại cuộc họp cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, UBND TPHCM giao Sở Giao thông – Vận tải nghiên cứu đưa một số dự án như: QL1A (đoạn qua H.Bình Chánh), QL13… vào diện ưu tiên đầu tư hoàn thành trong 3 – 5 năm. Trước thực trạng kẹt xe thường xuyên trên QL1A ở cửa ngõ Tây Nam, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng TPHCM sớm bố trí, huy động nguồn vốn đầu tư triển khai dự án.

Mới đây, Sở Giao thông – Vận tải TPHCM đã duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai dự án. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi