Thursday, July 18, 2024

Mỗi tuần, TP.HCM có hơn 1 triệu hành vi vi phạm an ninh mạng

Một năm, có 100 cuộc tấn công vào trung tâm dữ liệu của TP.HCM và có khoảng hơn 1 triệu hành vi vi phạm về an ninh mạng hằng tuần.

Sáng 16.7, kỳ họp 17 HĐND TP.HCM khóa X đã diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng. Tại sự kiện, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh, Phó bí thư Đảng ủy Sở GTVT TP.HCM, đặt câu hỏi về các giải pháp chuyển đổi số hiện nay cũng như vấn đề bảo mật thông tin của người dân, doanh nghiệp tại TP.HCM để người dân có thể an tâm dùng các ứng dụng số của nhà nước.

Trả lời, ông Lâm Đình Thắng cho biết với ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), trong những năm qua, TP.HCM đầu tư vào chuyển đổi số để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài các chỉ tiêu chung, TP.HCM cũng thực hiện nhiều giải pháp cụ thể riêng cho địa phương như thu phí 0 đồng với 98 thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến; đầu tư 5 nền tảng trọng điểm (lĩnh vực đất đai, xây dựng, an sinh xã hội, học bạ điện tử, sức khỏe điện tử); công khai minh bạch chuyển đổi số qua bản đồ thực thi thể chế…

Về số hóa dữ liệu, TP.HCM có kho dữ liệu dùng chung, được bảo vệ an toàn và thời gian qua không có sự cố lớn mặc dù thống kê cho thấy một năm, TP.HCM có 100 cuộc tấn công vào trung tâm dữ liệu của thành phố và có khoảng hơn 1 triệu hành vi vi phạm về an ninh mạng hằng tuần. TP.HCM hiện có 45 cơ sở dữ liệu dùng chung và 25 cơ sở đang vận hành chính thức, còn lại đang phát triển. Thời gian tới, TP.HCM sẽ có một ứng dụng dùng chung cho người dân tương tác với chính quyền, giống như một cửa điện tử.

Mỗi tuần, TP.HCM có hơn 1 triệu hành vi vi phạm an ninh mạng

Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng trả lời chất vấn tại kỳ họp

T.N

Giải ngân hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin còn chậm

Về giải ngân các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin, ông Lâm Đình Thắng cho biết năm 2024, TP.HCM bố trí 1.290 tỉ đồng nhưng đến nay tiến độ giải ngân còn chậm. Từ tháng giữa năm 2023, các đơn vị, địa phương đề xuất nhu cầu, Sở TT-TT tổng hợp để báo cáo UBND TP.HCM vào cuối năm 2023. Do hồ sơ của một số đơn vị chưa đảm bảo đủ điều kiện nên cần điều chỉnh. Đến tháng 5.2024, UBND TP.HCM có quyết định bố trí vốn, dự kiến các hạng mục hoàn thành quý 3 – 4 năm nay.

Ông Thắng cho biết sẽ phối hợp, đôn đốc các đơn vị đảm bảo giải ngân kịp thời. Mặt khác, Sở TT-TT báo cáo UBND TP.HCM xây dựng hệ thống quản lý đầu tư trên nền tảng số, triển khai từ cuối tháng 7. Theo đó, các đơn vị đăng ký, theo dõi bố trí vốn, tiến độ giải ngân trên nền tảng, lãnh đạo thành phố và các sở ngành, địa phương có thể theo dõi theo thời gian thực. Đây là hệ thống dùng chung và vừa qua đã thí điểm ở một số nơi và đánh giá rất hiệu quả.

Ưu tiên phát triển dữ liệu, nền tảng số

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Nhựt, Phó ban Văn hóa – Xã hội HĐND về Đề án Đô thị thông minh, ông Lâm Đình Thắng cho hay sau khi đề án được ban hành, TP.HCM có chương trình chuyển đổi số. Về bản chất công tác chuyển đổi số trong chính quyền của hai chương trình, đề án này là như nhau.

Mỗi tuần, TP.HCM có hơn 1 triệu hành vi vi phạm an ninh mạng

Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đặt câu hỏi tại kỳ họp

T.N

Hiện nay, TP.HCM đã đạt được một số kết quả lớn về mặt chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về tổng thể, TP.HCM đang xếp thứ 2 về chuyển đổi số trong cả nước. Về chính quyền số, TP.HCM đã được nhiều bước tiến khi hầu như các cơ quan nhà nước đều xử lý công việc trên môi trường số. TP.HCM sẽ xây dựng hệ thống nền tảng để giải quyết công việc chuyên ngành và phát triển trong thời gian tới. Về kinh tế số, năm 2023, TP.HCM đứng hạng thứ 8 của cả nước, đóng góp 21,5% vào GRDP TP.HCM và dự kiến năm 2025 sẽ đạt được mục tiêu đóng góp 25%. Về xã hội số, TP.HCM cũng đang phát triển tích cực, cùng với Đề án 06 là mỗi người dân có một tài khoản định danh điện tử, có chữ ký số hoặc một tài khoản thanh toán số.

Giám đốc Sở TT-TT cũng nói thêm hiện nay TP.HCM không chú trọng việc mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất nên hạng mục này đang làm song song. Thay vào đó, TP.HCM ưu tiên phát triển dữ liệu, nền tảng số để giải quyết công việc trước. Sau này khi hình thành trung tâm điều hành đô thị thông minh thì mới hoàn thiện, điều hành. “Trước mắt, TP.HCM là cần dữ liệu, nền tảng số để điều hành chứ không phải cần cái nhà có các thiết bị trong đó”, ông Thắng nói.

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó ban Kinh tế – Ngân sách HĐND cũng đặt câu hỏi về việc thúc đẩy việc triển khai đầu tư, đảm bảo hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số trong các bệnh viện công lập bằng ngân sách nhà nước.

Ông Lâm Đình Thắng cho biết ngành y tế rất tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, điển hình là triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, hay các giải pháp chuyển đổi số nội bộ. “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ngân sách nhà nước chi cho bệnh viện công để chuyển đổi số và mua sắm trang thiết bị, đặt dữ liệu tại các bệnh viện. Sở TT-TT sẽ làm việc với ngành y tế để xác định trong đề án y tế thông minh, hạng mục nào đề nghị ngân sách nhà nước hoặc cần điều chỉnh đề án chỗ nào để hỗ trợ”, ông Thắng nói.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi