VTV.vn – Không còn đi để chữa lành, những người trẻ muốn đến các nông trại để được học hỏi về nông nghiệp, hiểu về thiên nhiên và sống có trách nhiệm hơn.
Mảnh đất Tây Nguyên được biết đến với những cao nguyên đất đỏ, thác nước hùng vĩ và là vựa trái cây đặc sản. Đắk Nông là tỉnh cuối cùng tôi đặt chân đến trong 5 tỉnh ở Tây Nguyên, và đây cũng là tỉnh có thành phố ra đời muộn nhất trên cả nước, nên vẫn giữ được nhiều vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Sở hữu Vườn quốc gia Tà Đùng nằm trong Công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận, huyện Đắk Glong được kỳ vọng sẽ là nơi phát triển du lịch chủ đạo của tỉnh.
Mô hình vườn rừng vì một nền nông nghiệp bền vững
Đến với Đắk Nông những ngày tháng 7, đúng mùa trái cây chín rộ quả là may mắn cho chúng tôi. Những cây bơ và sầu riêng sai trĩu quả mang đến sức sống cho các khu vườn. Và ở Nông trại Tổ chim – Nest Farm (huyện Đắk Glong), tôi còn thấy vẻ đẹp nên thơ của các căn nhà gỗ và hàng thông xanh mướt. Đúng “hương vị” đặc trưng của Tây Nguyên.
Nông trại với diện tích gần 4ha vốn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, nhưng với sự tâm huyết và tầm nhìn của con người, đất đã “nở hoa” để những người yêu thiên nhiên có nơi để trải nghiệm. Đặc biệt, mô hình vườn rừng đa tán kết hợp trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm cải tạo, phục hồi tài nguyên đất. Không giống phần lớn các mô hình nông nghiệp hiện đại phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón, hình thức vườn rừng phát triển thuận tự nhiên có khả năng tự nuôi sống và mang lại nhiều giá trị to lớn.
Nông trại Tổ chim trồng nhiều cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mít, bưởi, chanh, nhãn, hồng xiêm,…và các cây rừng như thông, cẩm, sao, hương, xá xị, chay rừng,…
Mặc dù ít giá trị về cây trồng hàng năm nhưng mô hình vườn rừng sẽ giúp giữ nước ngầm, có môi trường cho các loài chim về ở. Về lâu về dài, dưới những tán rừng có thể trồng cây dược liệu, nhất là các loại sâm.
Không cần chờ một sự thay đổi đâu xa, chỉ cần nhìn vào mùa thu hoạch ở đây là có thể nhận ra sự khác biệt. Những cây sầu riêng và bơ cả vài năm nay không có phân bón hay thuốc diệt cỏ, nhưng lại cho sản lượng cao và chất lượng quả ngon hơn một số vườn khác.
Trải nghiệm làm vườn và “sống chậm” cùng thiên nhiên
Nông trại Tổ chim là nơi trú ngụ của nhiều loài chim hoang dã. Mỗi buổi sáng, chúng tôi thức dậy trong tiếng chim reo và cơn gió mát thổi ngang qua ô cửa sổ. Trong màu xanh mướt mắt ấy, mọi người có thể tập yoga, ngồi thiền, hay chỉ lặng yên uống trà và ngắm hoa cỏ. “Mỗi buổi sáng là một trang sách mới của cuộc đời, và bình minh là câu chuyện ngọt ngào nhất”, chúng tôi cảm nhận được câu nói ấy trọn vẹn qua từng ngày ở đây.
Sau một tuần trải nghiệm ở nông trại, chị Nguyễn Ngọc Ánh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Đây là nơi mình chỉ định ghé qua vài ngày nhưng không hiểu sao khi tới đây mình lại có cảm nhận “mình thuộc về nơi này”. Dù không có chủ đích chữa lành, nhưng từ lúc đặt chân tới đây, tâm hồn và cơ thể mình như được hoà mình với thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành, nghe tiếng chim hót, được sống thật chậm để cảm nhận mọi thứ. Dường như những ngày ở đây mình được sạc đầy lại năng lượng của chính mình.”
Giữa một nông trại nhiều cây cối như thế này, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội được hóa thân thành những “nông dân” thực thụ. Các kiến thức về từng loại rau hay cây ăn quả; kỹ năng làm luống, trồng cây,… dễ dàng được truyền tải tới chúng tôi qua những buổi làm vườn. Đã rất lâu rồi, chúng tôi mới được chạm vào đất, đi chân trần trên đất để cảm nhận năng lượng từ đất mẹ. Đã rất lâu rồi, chúng tôi mới có thời gian ngắm nhìn sự phát triển của cây, dũng cảm hơn để đón nhận sự tiếp cận của rất nhiều loài côn trùng khác nhau. Và để hiểu rằng mọi sinh vật đều có sứ mệnh riêng giúp duy trì sự cân bằng sinh thái.
Thưởng thức trái cây ngay tại vườn.
Để phát huy tối đa giá trị của đất đỏ màu mỡ, nông trại sẽ triển khai mô hình “Vườn rau kí gửi”. Các gia đình ở thành phố có thể thuê một mảnh vườn nhỏ 15m2 và chọn các loại rau họ muốn trồng. Mỗi khu vườn sẽ được treo bảng tên riêng, được chăm sóc bởi nông dân địa phương với phương pháp hữu cơ hoàn toàn. Hàng tuần, các gia đình sẽ nhận được rau củ quả sạch từ vườn gửi về. Họ cũng có thể trực tiếp lên nông trại tự tay chăm sóc và thu hoạch vườn rau sạch của mình.
Vì canh tác theo phương pháp hữu cơ, nói không với phân bón và thuốc hóa học nên nông trại cần nhiều lực lượng lao động. Bên cạnh những người nông dân, nông trại tạo điều kiện để các tình nguyện viên đến trải nghiệm và cùng góp sức làm nông nghiệp bền vững.
Những luống rau bắt đầu được gieo trồng.
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Trúc Phương, 26 tuổi, quản lý của Nông trại Tổ chim chia sẻ: “Sau khi sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh gần 5 năm, đến 2021 mình bắt đầu có ý tưởng “bỏ phố về quê”. Một phần là vì mình dần cảm nhận thấy sự ô nhiễm và ngột ngạt ở thành phố, một phần cũng vì mình xuất thân từ một gia đình làm nông nên rất yêu thiên nhiên, thích trồng cây. Ngày thường mình làm việc ở thành phố, cuối tuần thì đi xe khách lên thăm vườn. Thời gian đầu khá vất vả vì vườn không có người chăm sóc thường xuyên nên cây chậm phát triển. Đến tận bây giờ, sau hơn 3 năm xây dựng, cây cối trong vườn đã ổn định. Nhà vườn cũng đã hoàn thiện để tiếp đón những vị khách từ xa đến và có chỗ cho các bạn tình nguyện viên nông nghiệp xanh ở lại.”
Trúc Phương và các cộng sự của cô hi vọng, những nỗ lực về một mô hình vườn rừng có thể góp phần nhỏ bé vào việc phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương, vừa tạo ra môi trường làm việc, học hỏi, giao lưu cùng phát triển giữa những người có chung tình yêu với thiên nhiên.
Cô gái nhỏ Trúc Phương đã bén duyên với Đắk Nông và muốn góp sức phát triển mảnh đất này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!