Friday, July 26, 2024

Các chuyên gia ở Mỹ hé lộ thông tin về ngân hàng máu cuống rốn

VTV.vn – Việc lưu trữ máu cuống rốn liệu có phải là giải pháp tối ưu trong trường hợp một ngày nào đó đứa trẻ, hoặc anh em chúng, bị bệnh nặng?

Việc lưu trữ máu cuống rốn thường được quảng cáo như một công nghệ y tế mới nổi, là giải pháp hữu hiệu trong trường hợp một ngày nào đó đứa trẻ bị bệnh nặng. Trong thực tế, việc lưu trữ máu cuống rốn đang giảm dần ở Mỹ. Vì sao vậy?

Dưới đây là những điều cha mẹ nên biết về ngân hàng máu cuống rốn.

Vào những năm 1990, các bác sĩ cấy ghép đã coi máu cuống rốn là nguồn tế bào gốc mới đầy hứa hẹn cho những bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh bạch cầu – những người không thể tìm được tế bào phù hợp từ gia đình hoặc cơ quan đăng ký hiến tủy xương.

Các ngân hàng máu cuống rốn lớn ở Mỹ (Cord Blood Registry, ViaCord và Cryo-Cell) nói rằng các tế bào họ lưu trữ đã cứu sống nhiều trẻ em và không ai biết một ngày nào đó các nhà khoa học có thể khám phá ra điều gì thêm nữa. Vì vậy, hàng triệu bậc cha mẹ ở Mỹ đã trả tiền để lưu trữ máu cuống rốn của con mình với mức phí trả trước vài nghìn USD cho việc lưu trữ và thêm hàng trăm USD mỗi năm sau đó.

Nhưng phần lớn sự phấn khích của các bác sĩ cấy ghép và bác sĩ ung thư đã phai nhạt sau khi những tiến bộ y học mới giúp việc cấy ghép các tế bào gốc trưởng thành chưa từng có trở nên dễ dàng hơn. Theo dữ liệu từ N.M.D.P., một tổ chức phi lợi nhuận điều phối việc hiến tặng tế bào gốc, số lượng cấy ghép máu cuống rốn đã giảm hàng năm kể từ năm 2014. Tiến sĩ Mary Horowitz, Phó Giám đốc Trung tâm ung thư tại Đại học Y Wisconsin, cho biết: “Đã có xu hướng tránh xa máu cuống rốn. Bây giờ chúng ta có nhiều lựa chọn ưu việt hơn.”

Các chuyên gia ở Mỹ hé lộ thông tin về ngân hàng máu cuống rốn - Ảnh 1.

Việc lưu trữ máu cuống rốn ngày càng giảm mạnh

Cuộc điều tra của Times cho thấy, các ngân hàng máu cuống rốn thường đưa ra những tuyên bố khoa học sai lệch hoặc không đầy đủ.

Ví dụ, các ngân hàng thường nói rằng máu cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ “phù hợp 100%” với đứa trẻ đó. Điều đó đúng, nhưng nó bỏ qua bối cảnh quan trọng: Máu cuống rốn phù hợp hoàn hảo thường là một vấn đề. Ví dụ, nếu một đứa trẻ mắc bệnh bạch cầu, tế bào gốc của chính nó sẽ vô dụng vì chúng có khuynh hướng di truyền trở thành ung thư.

Hiện nay, hầu hết các phương pháp điều trị sử dụng máu cuống rốn lưu trữ tư nhân đều mang tính thử nghiệm.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá những ứng dụng mới của máu cuống rốn trong các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm thành công nhất là truyền máu dây rốn cho hàng chục trẻ em bị bại não, có thể gây yếu cơ và dáng đi không vững. Một năm sau khi điều trị, trẻ nhận thấy một số cải thiện về chức năng vận động.

Những nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đưa ra phương pháp điều trị thử nghiệm. Nhưng từ đầu năm nay, họ đã phải từ chối hơn một nửa số gia đình nộp đơn xin tham gia vì các mẫu được lưu trữ trong ngân hàng tư nhân không đủ lượng tế bào gốc để sử dụng hoặc bị nhiễm vi khuẩn.

Ngay cả khi cha mẹ đã trả tiền để lưu trữ máu cuống rốn, các bác sĩ cấy ghép thường chọn không sử dụng. Đôi khi các bậc cha mẹ hỏi Tiến sĩ Jan Boelens, bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi khoa tại Memorial-Sloan Kettering, liệu con họ có thể được điều trị bằng máu cuống rốn mà họ đã trả tiền trong nhiều năm để lưu trữ hay không. Câu trả lời thường là không. Các mẫu từ các ngân hàng tư nhân thường không có đủ tế bào gốc để sử dụng về mặt y tế.

Các chuyên gia ở Mỹ hé lộ thông tin về ngân hàng máu cuống rốn - Ảnh 2.

Tách các thành phần tế bào máu trong phòng thí nghiệm máu cuống rốn tại Trung tâm Ung thư MD Anderson

Tiến sĩ Boelens cho biết, ông đã làm việc với máu cuống rốn được lưu trữ tư nhân khoảng 15 lần, thường là trong trường hợp các gia đình lưu trữ máu cuống rốn của đứa con thứ hai với hy vọng chữa khỏi bệnh cho anh chị lớn. Nhưng trong tất cả những trường hợp đó, ông vẫn phải lấy tủy xương từ đứa trẻ vì máu dây rốn không có đủ tế bào.

Rất nhiều bác sĩ cấy ghép nói rằng, việc trả tiền để lưu trữ máu cuống rốn chẳng có tác dụng mấy. Ở Mỹ, trẻ em cần cấy ghép tế bào gốc thường không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm tế bào hiến tặng, từ một thành viên trong gia đình hoặc mạng lưới ngân hàng công của quốc gia lưu trữ máu cuống rốn từ những người hiến tặng ẩn danh.

Ngoài ra, một số bậc cha mẹ cho biết, khi họ cố gắng rút máu cuống rốn để tham gia thử nghiệm lâm sàng, các tế bào không thể sử dụng được vì bị nhiễm vi khuẩn. Đầu năm nay, các thanh tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đến thăm cơ sở lưu trữ của CBR ở Tucson, Ariz. và phát hiện 5 hành vi vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm túi bảo quản bị rò rỉ và xét nghiệm vô trùng không phát hiện được sự phát triển của vi khuẩn.

Renee Johnson đã nhận được một lá thư sau khi cô giao dịch với ViaCord vào năm 2014 với nội dung rằng mọi việc đã diễn ra tốt đẹp với việc lưu trữ máu cuống rốn của con cô. Tuy nhiên, hai năm sau, khi cô cố gắng sử dụng các tế bào này thì được biết mẫu đã cho kết quả dương tính với vi khuẩn E. coli trong vòng vài tuần sau khi đến ngân hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi