Trong quý I/2024 ghi nhận có tổng cộng hơn 766 triệu đơn hàng được giao thành công tới tay người tiêu dùng, tăng hơn 83 % so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam bình quân 16% đến 30%/năm.

Dự kiến trong quý II tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam sẽ đạt trên 84.000 tỷ đồng với hơn 882 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng gần 14% so với quý 1/2024.

Vẫn theo dữ liệu thống kê của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử tại Việt Nam bình quân 16% đến 30%/năm. Dẫn theo số liệu Báo cáo của Google, Temasek & Bain, khoảng 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online năm 2022, chủ yếu tại đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng.

Kinh tế số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong vài năm trở lại đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Quy mô kinh tế số dự kiến đạt trên 30 tỷ USD năm 2023, và sẽ tăng lên 45 tỷ USD vào 2025. Trong đó, riêng thương mại điện tử có thể đạt 24 tỷ USD vào 2025 và tăng lên 60 tỷ USD vào năm 2030.

Theo ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng. 

“Họ mua nhiều hơn với giá trị mua tăng, kỹ năng mua sắm trực tuyến thành thạo hơn”, ông Trần Văn Trọng nói.

Nhưng thói quen mua hàng của người dân cũng dần thay đổi cùng sự xuất hiện của các xu hướng mua sắm mới. Theo ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số.

Thống kê của sàn thương mại điện tử này cho thấy 43% người dùng trẻ như GenZ (sinh từ năm 1997 trở đi) truy cập ứng dụng mua sắm hàng ngày. Mỗi người mua trung bình 7 ngành hàng trên Lazada trong giai đoạn 2021-2023.

Theo đánh giá củaThạc sỹ Mai Hoàng Thịnh, khoa Thương mại – Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, sự phát triển của thương mại điện tử đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng ở Việt Nam.

Từ các khảo sát cho thấy, có 81% người Việt Nam khi được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất 1 lần mỗi tuần đạt mức 59%.

Đặc biệt, có 85% người tiêu dùng cho biết họ đang chi tiêu nhiều hơn cho việc mua hàng trực tuyến. Có 66% người tiêu dùng cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho gia đình. Trong khi đó, 34% còn lại sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần đây nhất.

Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử

Kinh tế số của Việt Nam tăng ở mức hơn 20% trong vài năm trở lại đây, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

“Người tiêu dùng ở Việt Nam đang dành nhiều ưu ái cho các thương hiệu nội địa khi 52% người Việt được hỏi cho biết họ ưa thích lựa chọn những thương hiệu Việt. Đây là xu hướng chủ đạo của người tiêu dùng Việt Nam trong mua sắm trực tuyến và đặc biệt hình thành rõ rệt sau đại dịch Covid-19”, Thạc sỹ Mai Hoàng Thịnh chia sẻ.

Bên cạnh gia tăng mua sắm trực tuyến các mặt hàng nội địa, những nghiên cứu của Visa cho thấy những hiểu biết mới về người tiêu dùng Việt Nam, trong đó mọi người tự tin mua sắm trực tuyến hơn, chi tiêu quốc tế nhiều hơn cũng như ưa chuộng thanh toán không tiếp xúc.

Những thay đổi này cũng đã được Bộ Công Thương Việt Nam dự báo, với sức mua của người tiêu dùng ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dữ liệu của Visa cho thấy người dùng chi tiêu nhiều nhất cho các danh mục thực phẩm, bao gồm nhà hàng phục vụ nhanh và tạp hóa, và di chuyển ở tháng cận Tết.

Thương mại điện tử đã thúc đẩy chi tiêu quốc tế trong thời gian lễ hội với giá trị giao dịch trực tuyến đã tăng trưởng gấp đôi so với chi tiêu tại cửa hàng truyền thống.

Bắt nhịp xu hướng, người tiêu dùng Việt đang cho thấy sự tự tin hơn trong mua sắm online, ngay cả với các danh mục truyền thống thiên về giao dịch trực tiếp như bảo hiểm, di chuyển và lưu trú – hiện là 3 ngành hàng dẫn đầu trong giao dịch thương mại điện tử.

Nghiên cứu cho thấy, tăng trưởng chi tiêu quốc tế của người tiêu dùng Việt Nam tăng gấp đôi so với mức tăng trưởng chi tiêu trong nước. Sự tăng trưởng này là kết quả của phát triển trong mua sắm trực tuyến và làn sóng du lịch nước ngoài đang gia tăng mạnh mẽ.

Có tới 30% người dùng Việt Nam tham gia khảo sát đã đi du lịch giải trí hoặc kết hợp công tác trong 12 tháng qua. Trong đó, các điểm đến nước ngoài phổ biến bao gồm Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Anh và Mỹ.