Thursday, July 25, 2024

Chị Chi ưu tú – Truyện ngắn dự thi của Mạnh Hoài Nam (Phú Yên)

Đang mùa lúa chín, nhìn từ xa, cánh đồng vàng, thân lúa đứng cao ‘rớt’ xuống chòm rau muống. Chỗ đó là đám ruộng trũng, đắp bờ thành cái ao. Và cả cánh đồng chỉ có ao rau muống.

Chiều, Bảo – công tác ở phòng văn hóa thông tin huyện, chạy xe máy trên đường liên xã, rẽ qua ba ngã ba đến ao rau muống. Gặp Chi đang cắt rau, Bảo gửi giấy mời họp, bàn chuyện thi diễn văn nghệ.
Chị Chi ưu tú - Truyện ngắn dự thi của Mạnh Hoài Nam (Phú Yên)

 

Minh họa: Văn Nguyễn

Buổi họp đội văn nghệ, Bảo đại diện phòng văn hóa thông tin, thông báo: “Một người mỗi buổi tối tập vào vai diễn, ca hát, bên tài chính chi trả năm mươi ngàn đồng, tôi ghi sổ, chín năm nay vẫn năm mươi ngàn. Phòng văn hóa gửi tờ trình xin thêm nhưng bên tài chính không duyệt”. Bàn một hồi rồi ai cũng quyết tâm vì phong trào văn nghệ quần chúng.

Chương trình văn nghệ nhiều thể loại, đơn ca, múa, gần đây giữ lửa cải lương. Lần trước, tối diễn trích đoạn cải lương tuồng cổ, Chi đóng vai hoàng hậu. Sáng, Chi gánh rau muống bán chợ, có người thấy “hoàn cảnh” hoàng hậu ngồi bán rau ế, hỏi mua. Lần này cũng có vai hoàng hậu, Chi xin bớt nhân vật, không có kẻ hầu người hạ, đánh kiếm nhá lửa nữa.

Bàn tay cắt rau muống cứng đơ, tập văn nghệ phải uốn éo. Cuộc sống nhà Chi, có ế cỡ nào cũng biết ơn ao rau muống. Mua năm ngàn bột ngọt, chai nước mắm cũng từ “kho báu” ao rau muống mà ra. Gần đây có người đến đặt, mua rau muống ở trần (lựa đọt non cắt rồi bó bằng dây chuối, không cho vào túi ni lông), những bó rau yêu thương, xanh, sạch, dành cho những bữa ăn nên Chi thường đi cắt rau muống bỏ mối.

Hôm rồi Chi mất điện thoại, Chi đi tìm thấy điện thoại rớt ngoài ao rau muống.

Bảo hẹn chủ nhật gọi điện thoại thông báo ngày giờ tổng duyệt. Chi cắt rau muống xong, lót dép ngồi trên bờ ao mở điện thoại xem có cuộc gọi nhỡ nào không. Lúc về rớt lại điện thoại.

Xin tiền hỗ trợ thấp quá, bao năm không tăng một đồng. Buồn. Bảo quên gọi.

Chi cắt rau muống gánh trên con đường bờ ruộng, chặt góc qua trụ sở thôn, bên kia là ngôi trường. Trường học vùng trũng, vừa phải đảm bảo địa hình an toàn, vừa có khuôn viên đủ cho các hoạt động của học trò. Bà con trong xóm đã hiến tặng cả ngàn mét vuông đất ruộng.

Phía trước ngôi trường, bên hông trụ sở thôn là quán cơm 0 đồng của Lan, người ra tận ao rau muống của Chi đặt hàng mua rau muống ở trần.

Khách tới quán cơm 0 đồng ăn chủ yếu là học sinh nghèo, người già… Mỗi lần thấy học sinh nghèo ăn cơm, Lan mủi lòng “nghèo giống mình hồi nhỏ”.

Và câu chuyện tình yêu quán cơm 0 đồng, nguồn từ tiền của chồng Lan, có công của Long “dẹo” – chồng Chi.

Hôm đó, Lan bằm bao rau muống to tướng nấu cháo heo, Hùng – chồng Lan bây giờ, chui thẳng xuống dưới bếp. Mới quen biết, nói: “Em làm vợ anh đi?”.

“Thì ít nhất cho em ly nước rau má rồi mới hối chuyện làm vợ chớ anh!” – Lan chụm củi nồi cám heo đang sôi, cười nói.

Lan đã từng ly hôn khi phát hiện chồng cũ cạy tủ lấy tiền cho bồ. Năm đó lúa chín, trời mưa lúa ngã, nước nằm trên lúa, vớt từng gié lúa ướt ngập bùn, tuốt, phơi khô vào bao. Cái nồi nấu canh lủng đít, sáng, Lan nhín bán bao lúa cột miệng, bỏ tiền trong tủ định chiều đi mua thì bị cạy. Lan nhắm mắt bán bao lúa mất mùa thứ hai, mua cái nồi… Chồng ngoại tình, Lan ôm bụng bầu đi đánh ghen, bụng mang dạ chửa nặng nề, Lan té ngã, cái thai cũng ra đi.

Lan buồn vì trên hành trình thiêng liêng bầu bí để lại một đứa con không đến với thế giới này. Lan làm ruộng, nuôi heo. “Nhìn tướng nó ngồi bằm rau heo không đứt, buồn thúi ruột”, năm đó hàng xóm thấy Lan liêu xiêu như đám mạ ngập úng, nói vậy.

Sau cuộc gặp đầy thấu hiểu với Hùng – người đàn ông cũng đã ly hôn, họ quyết định đến với nhau.

Duyên nợ đến với họ từ nụ cười đi lạc. Hùng “nồi” (ở xóm có nhiều người tên Hùng, người thì gọi Hùng đen – vì da đen; người thì gọi Hùng cá hố – vì mặt dài giống cá hố; còn Hùng “nồi” là vì cha tên Nồi gọi ghép thành Hùng “nồi”, chớ không phải mặt giống cái nồi cái trã gì) quen biết với Long “dẹo” từ thời tán gái. Quê Hùng “nồi” cách đây vài trăm cây số, lúc đến đây lập nghiệp đeo đồng hồ chặt góc đi tán gái, sau đó lên thành phố làm đầu bếp. Thời gian đó, tối, Hùng “nồi” “tu luyện” với cây guitar. Ở thành phố nhà hẻm xe hơi, Hùng “nồi” bỏ về lại huyện lúa, chiều ngồi hàng ba hanh nắng. Tối nghe tiếng ếch nhái kêu râm ran giống như nằm gối đầu lên bờ ruộng. Hôm Hùng “nồi” đến nhà chơi, nghe nói tập văn nghệ mà thiếu tay đờn nên Long “dẹo” đưa bạn đến.

Hai người bước vào, Lan cười với người đi trước là Long “dẹo”, Hùng “nồi” tưởng cười xã giao do mình đeo đồng hồ chặt góc nên để ý luôn. Sau lần chui thẳng xuống bếp, Hùng “nồi” về rồi còn gửi lại nhà bếp mùi đàn ông. Lan có cảm giác lâu rồi giờ muốn làm đẹp cho ai đó. Lâu rồi cái mặt nhăn nhó của Lan cũng biết cười!

Họ đến với nhau, cùng nhau đi qua giông bão cuộc đời.

Chi và Lan từ bạn hàng rau muống đến bạn cải lương. Sau lần ra tận ruộng mua rau muống ở trần, trong người có máu văn nghệ, Lan hỏi thăm Chi. Đội văn nghệ tìm người có duyên diễn vai… nịnh, Lan được chọn vào tập luyện, rồi gặp chồng từ nụ cười “đi lạc”.

Ban ngày cắt rau muống, tối Chi tập văn nghệ. Người trong đội văn nghệ gọi là “chị Chi ưu tú”.

Chồng Chi có lúc trong đoàn thiếu vai nhưng sai làm quân sĩ cũng không được, vì chân dẹo nên gọi Long “dẹo”. Nhà đám giỗ, Long “dẹo” mời người trong xóm đến uống ly rượu. Nhà cạnh cổng chào, bên văn hóa thông tin mới sơn, vẽ. Ai qua lại nhìn lên cổng chào cũng được hưởng câu xã giao “Chào mừng quý khách”. Tết, cổng chào “lì xì” câu “Chúc mừng năm mới”, bằng màu vàng vạn thọ, đậm đà tình quê. Đang bàn chuyện cổng chào, cặp vợ chồng bán chợ “chạy” (xe máy lấy hàng vùng biển: cá, tôm, mực, nước mắm, chở ngược lên miền núi bán dạo, rồi mua hàng xuôi về bán lại), đang chở con heo lưng gãy sụp ổ gà, con heo la éc, éc…

Sau khi uống ngà ngà say, có người biết ơn chợ 0 đồng, nói vui: “Hùng “nồi” giàu vì có rẫy bên Mỹ”.

Thật ra Hùng “nồi” có những cây duối cảnh, tán lá đơm lên to bằng cái nồi cơm từ thiện của quán cơm 0 đồng. Cây duối trả tiền tỉ, nếu chặt khô làm củi thì nấu vài nồi cháo heo.

Khu đất rộng nằm một chỗ không sinh lời, Hùng “nồi” kinh doanh cây cảnh. Từ đường liên xã ngược lên vùng gò đồi có động duối, có cây duối mồ côi (đứng một mình), có bụi duối “ngả lưng” ra ruộng lúa rất nên thơ.

Duối ở đây người dân chặt nhánh làm củi nấu cháo heo. Duối có tật từ nhỏ. Điều kỳ diệu là khi chặt cành, nứt ra nhiều nhánh, ban tặng “nhan sắc” cây duối với nét uốn éo sung sức mềm mại. Hùng “nồi” “thương” duối chặt làm củi, mua, bứng gốc chở về trồng.

Và rồi một ngày đẹp trời xóm làng thấy Hùng “nồi” giàu to, xây nhà lầu cặp vách cánh đồng, trước mặt là đường bê tông, hai bên hông nhà là ruộng lúa. Vợ Hùng mở quán cơm 0 đồng, tính tiền bằng nụ cười. Nhớ lại cảnh, từ người cũng bằm rau heo đến chủ quán cơm 0 đồng, chồng Lan cười tươi rói, tự hào tình yêu thương người nghèo của vợ.

Đêm văn nghệ có trích đoạn tuồng cải lương Trần Minh khố chuối, Duyên chị tình em, kêu gọi nhiều người hùn phước mở phiên chợ 0 đồng – chương trình văn nghệ cấp huyện dự hội thi tỉnh rồi về diễn ở các xã, lấy kinh phí bồi dưỡng của huyện làm ơn cho từ thiện. Người thì nhín ký gạo, người thì góp nửa bao lúa…

Hôm đó trời chưa tối mà đứa nhỏ “má bầu” (có câu ca dao “Mặt má bầu ngó lâu muốn chửi/Mặt chữ điền tiền rưỡi cũng mua”, nói vậy chớ mặt trẻ con còn non sữa phinh phính thấy thương), đòi mẹ dẫn đi xem văn nghệ sớm. Thấy dáng lẽo đẽo của đứa bé “bước ra” từ ca dao tục ngữ, Lan đến nựng má bầu, đứa nhỏ hớt tóc mái bằng, mặc áo bà ba.

Lan nhớ lại cảnh mặc áo bà ba rách, chảy nước mắt. Hai chị em Lan mồ côi cha từ nhỏ. Lan mặc áo thun tròng cổ, còn chị Hai mặc áo bà ba rách, tướng đi ốm yếu như bà thím. Bữa cơm dọn bằng mâm dưới đất, má ngồi đầu nồi, ăn giữa bữa, Lan đưa chén bới cơm mà trong nồi không còn cơm, má sớt làm hai nửa chén cơm của má đang bưng. Đến giờ Lan nghĩ cảnh “bóp bụng” với mâm cơm mà chảy nước mắt.

Ngày đầu tháng, Lan và Chi vận động nhiều người hùn hạp yêu thương chở chợ 0 đồng đến gần cổng chào của thôn vùng núi, bày các mặt hàng: gạo, đường, bột ngọt… từ thôn này qua thôn khác, hết lòng vì người nghèo.

Chi có chất giọng hát cải lương nghe mùi tai từ thời con gái. Lúc Bảo mới vào công tác ở phòng văn hóa thông tin huyện, nghe đồn, tìm đến nhà mời tham gia hát đờn ca tài tử. Chi tập luyện cải lương một thời gian, công khai “ế”, Bảo biết Long “dẹo” từ lúc đi chà giấy nhám, sơn cổng chào nên mai mối Long “dẹo” với Chi nên duyên vợ chồng.

Những đêm nằm gối đầu lên tay chồng, nhớ cái nghèo theo tận giường, tình yêu của chồng, nhắc đến là thương. Thương sâu sắc, mặn nồng những bước chân “dẹo” đi trên bờ ruộng. Chi nhớ lần đầu Bảo chở Long đến gặp Chi mai mối, Long bước lại chỗ bờ ruộng gối đầu lên bờ ao rau muống, chân dẹo đứng thấy thương.

Chiều mưa buồn rơi nhẹ trên mái tôn, biết ơn, vợ chồng Chi mời Bảo đi ăn lẩu cù lao, cho đã thèm… rau muống.

Hôm Chi và Lan tổ chức phiên chợ 0 đồng trên miền núi, dọc đường về qua cánh đồng lúa chín héo vì nắng hạn, Chi nhớ lúc nhỏ cùng bà ngoại bưng thúng rách bùng vành đi mót lúa. Năm đó Chi trên dưới mười tuổi, mắt sáng, mót lúa nhanh. Ngoại mắt yếu, có lúc đi qua ba đám ruộng mới lượm được gié lúa rơi. Chiều, ngoại bảo Chi đạp lúa gié ra lúa hột, đội thúng lúa về. Hôm đó trời chiều đổ mưa, sấm chớp, bà cháu chạy về, chân ngoại liêu xiêu vấp gốc rạ ngã, thúng lúa mót rớt xuống kẹt dưới lỗ chân bò lún gốc rạ.

Tay ngoại run rẩy bứt nắm gốc rạ làm chổi quét mót lại lần hai, gần nửa thúng lúa hột… chảy nước.

Đến đoạn đường liên thôn, Chi thấy cảnh “lung linh tình mẹ, tình cha”. Người mẹ chở cỏ sau baga xe đạp, giữa đường thấy con trai đi học về, biểu con thượng ngồi trên bó cỏ, chở đi. Có người cha treo chiếc gùi trên ghi đông xe đạp, ló ra cán rựa, chở con gái ngồi phía sau mang ba lô, bàn tay nhỏ bé của con gái ôm trúng chỗ áo rách của cha. Hai cha con thong thả về nhà.

Qua chỗ cầu dân sinh, Chi thấy nhiều người đứng nhìn, có người chùi nước mắt. Lại gần hỏi thì biết, lúc thi công bất ngờ đất trên bờ cao ụp xuống vùi lấp một nữ phụ nữ đang lom khom xúc đất. Công nhân dùng cuốc moi, xẻng xúc đất cứu đưa lên bờ thì người phụ nữ đứng tim, nhiều người hô hấp, tiếng người chồng khóc than: Em ơi ráng em ơi, còn con nhỏ ở nhà (và đó là đứa nhỏ má bầu). Ráng sống làm nuôi con, em ơi. Nhà mình nghèo quá, hồi trưa ăn chung nửa gói mì tôm chan cơm!…

Người vợ, người mẹ ra đi mãi mãi. Đến nhà thắp nén nhang, nhìn đứa nhỏ má bầu, Chi nghĩ, đứa nhỏ học ngôi trường gần ao rau muống, đưa cháu đến ăn quán cơm 0 đồng.

Tối, lướt mạng xã hội trên điện thoại rớt ngoài ao rau muống, Chi đọc bài báo viết: Chị Chi ưu tú “cháy” hết mình với phiên chợ 0 đồng.

“Chị Chi ưu tú vì nhiệt tình diễn văn nghệ, kêu gọi nhiều người hùn phước tổ chức chợ 0 đồng, chữa trị nỗi khổ niềm đau. Chị Chi ưu tú có chị Lan, từ gia đình với những mảnh vụn đau thương vươn lên đồng hành hết lòng vì người nghèo, trả ơn trả nghĩa cho đời”, sapo (chapeau) bài báo viết.

Hôm sau Bảo ngồi ở phòng văn hóa thông tin đọc báo giấy, từng câu chữ dẫn dắt thông tin… rồi ngắm trang báo khổ giấy A3 đăng ba tấm hình với ba góc ảnh: Chi gánh rau muống, đứng trên sân khấu hát cải lương và Lan trao yêu thương “Phiên chợ tình người, nụ cười hạnh phúc”.

Mùa lúa chín năm sau, chiều, trên đường từ cơ quan về, Bảo đứng cách ao rau muống ba ngã ba, nhìn cánh đồng đơm lên hàng trăm tấn lúa. Nhìn một hồi sóng lúa màu vàng như trôi lại ao rau muống.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
Anh hùng phản hắc - SCTV9
Tình yêu đến cùng gió biển
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -SCTV bùng nổ Quý 3/2024 với ưu đãi nhân đôi