Trên nền tảng công nghiệp 4.0, công nghệ 5.0 là cơ hội to lớn, gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự kết hợp của con người với khoa học – công nghệ được đề cao.

Ứng dụng công nghệ 5.0 phát triển nông nghiệp bền vững

Ứng dụng Drone vào canh tác lúa là bước chuyển đổi quan trọng và tạo thêm dịch vụ mới nâng cao thu nhập cho nhiều nông dân ở ĐBSCL. Ảnh Hồ Thảo.

Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới…

Trụ cột phát triển

Theo đó, Quyết định số 150/QĐ-TTg nhấn mạnh phát triển nền nông nghiệp bền vững, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển và ứng dụng các tiến bộ KHCN để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất… phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số…
Có thể thấy, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là định hướng cơ bản, trụ cột để đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, tạo đà xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 23/7/2024, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0. 

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ thì Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự phối hợp giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư, góp phần nâng cao kĩ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm đa giá trị”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy ứng dụng công nghệ 5.0 lộ trình hướng tới việc áp dụng công nghệ trí tuệ thông minh (AI) và kết nối vạn vật (IoT) cho các nhà trồng nông nghiệp kính tự quản với hai cột mốc công nghệ quan trọng. Trong đó, nhấn mạnh tới kỹ thuật số làm vườn và cảm biến tích hợp thông minh; Cách mạng Công nghệ 5.0 và tương lai của ngành nông nghiệp bằng công nghệ Blockchain, IoT, Drone, AI, DAO, Web3 và Metaverse; thí điểm ứng dụng cảm biến tự động để nâng cao hiệu quả sử dụng nước trồng lúa ở ĐBSCL; logistics – dịch vụ hậu cần nâng cao giá trị chuỗi nông sản…

Bắt tay chặt chẽ

Các chuyên gia đánh giá, công nghiệp 5.0 hướng đến phát triển, nâng cao tương tác giữa con người và máy móc. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa tính sáng tạo không có giới hạn của con người với mức độ chính xác tuyệt đối của máy móc. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần đề ra cơ chế, chính sách mới để tạo điều kiện cho các dự án, ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình mặc định trong thời gian dài, cần có sự thích ứng với sự thay đổi của kế hoạch giai đoạn 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm để điều chỉnh chính sách phù hợp. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất như ủng hộ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và những đầu tư cho nghiên cứu rủi ro, nghiên cứu thử nghiệm.

Nói như ông Hà Văn Thắng, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất nông nghiệp rất cần sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ.

“Đó chính là quá trình vừa triển khai, vừa tiếp nhận phản hồi và điều chỉnh liên tục để không ngừng hoàn thiện một hệ sinh thái nông nghiệp xanh – tuần hoàn và bền vững. Chính vì vậy, việc liên kết, bắt tay chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức toanh nghiệp khoa học công nghệ phải được tổ chức như một thiết chế hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp”, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.