Hậu vụ “Màn hình xanh”, CEO CrowdStrike tài sản sụt 300 triệu đô

Sự cố “màn hình xanh chết chóc”

Sự cố “màn hình xanh chết chóc” hôm thứ 6 vừa qua không chỉ khiến mọi người trên khắp thế giới không khởi động lên được máy tính, khóa tài khoản ngân hàng và làm các chuyến bay bị đình trệ, mà nó còn lấy đi một phần lớn tài sản của George Kurtz, nhà tỷ phú đồng sáng lập kiêm tổng giám đốc CrowdStrike, công ty an ninh mạng có phần mềm gây ra sự cố ngừng hoạt động.

Giá trị tài sản ròng của Kurtz đã giảm khoảng 300 triệu USD ngay trong chiều hôm đó, khi cổ phiếu của CrowdStrike đã giảm tận 11% so với hôm trước.

Forbes ước tính Kurtz sở hữu tài sản hơn 3,2 tỷ USD hôm thứ Năm, và giờ chỉ còn khoảng 2,9 tỷ USD.

Lý do sụt giảm rất dễ hiểu: Phần lớn tài sản của Kurtz gắn liền với cổ phiếu CrowdStrike. Ông giữ chức vụ Tổng giám đốc của công ty kể từ khi đồng sáng lập vào năm 2012 và sở hữu hơn 3% cổ phần của công ty. Đó là một khoản đầu tư sinh lợi cao, vì cổ phiếu đã tăng hơn gấp bốn lần giá trị trong 5 năm qua, giúp đẩy giá trị tài sản ròng của Kurtz, 53 tuổi, từ 1,2 tỷ USD sau đợt IPO năm 2019 của CrowdStrike lên 3,2 tỷ USD.

Thế giới đang có nhu cầu ngày một tăng về an ninh mạng. Điều đó giúp cho doanh thu hằng năm của CrowdStrike vượt 3,4 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất.

Thế rồi thứ Sáu vừa rồi, bản cập nhật phần mềm tai hại ra đời khiến hàng triệu máy tính Microsoft trên toàn cầu bị tê liệt. Cho đến giờ tình trạng ngừng hoạt động vẫn tiếp diễn, khiến các thiết bị chạy Windows vẫn chưa thể hoạt động trở lại bình thường.

CrowdStrike viết trong tuyên bố rằng vấn đề đã được xác định và giải pháp đã được chia sẻ. Cổ phiếu CrowdStrike lao dốc trong giao dịch ngoài giờ và mở cửa hôm thứ Sáu với mức giảm 15% trước khi phục hồi nhẹ.

Kurtz là người có thâm niên trong lĩnh vực an ninh mạng. Ông có xuất thân bình thường và học kế toán tại Đại học Seton Hall, sau đó làm việc gần một thập kỷ tại công ty tư vấn PWC và công ty kế toán khổng lồ Ernst and Young, phần lớn thời gian làm việc là ở các vị trí liên quan đến an ninh mạng. Ông là một trong năm nhân viên đầu tiên được thuê toàn thời gian ở vị trí an ninh mạng tại PWC.

Năm 1999, ông thành lập công ty tư vấn bảo mật Foundstone. Ông bán công ty cho gã khổng lồ an ninh mạng McAfee vào năm 2004 với giá 90 triệu USD.

Sau khi gia nhập McAfee với tư cách là phó chủ tịch cấp cao, ông đã thăng tiến qua các cấp bậc khác nhau và trở thành giám đốc công nghệ vào năm 2009. Ông đồng sáng lập CrowdStrike vào năm 2012 và niêm yết nó trên Nasdaq vào năm 2019. Trong quá trình đó, công ty đã tạo dựng được tên tuổi cho mình, bao gồm cả việc điều tra vụ hack của tình báo Nga vào Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ vào năm 2016. CrowdStrike đã được lọt vào danh sách S&P 500 tháng trước.

Bất chấp sự sụt giảm lớn về tài sản đó, Kurtz vẫn rất giàu có. Ngoài việc sở hữu cổ phiếu CrowdStrike trị giá khoảng 2,5 tỷ USD theo giá hiện tại, ông còn bán bớt số cổ phiếu trị giá hàng trăm triệu USD trong 5 năm qua để thêm vào tài khoản ngân hàng của mình.

Ngoài ra, ông còn là một tay đua xe có tiếng. CrowdStrike của ông cũng là “đối tác an ninh mạng chính thức” của đội Mercedes-AMG Petronas Formula One, và tất nhiên, đội cũng bị ngừng hoạt động vào thứ Sáu vừa rồi vì lỗi phần mềm của CrowdStrike.